Các biện pháp cần thực hiện để đáp ứng quy định về ATTP đối với Thanh long xuất khẩu vào thị trường EU
02/01/2024 - 11:03 | Giá cả, thông tin thị trường
Nhằm khắc phục các tồn tại về vi phạm MRL thuốc bảo vệ thực vật
(BVTV) trên trái thanh long và các quy định khác, đảm bảo các tiêu chuẩn xuất
vào thị trường EU, trước hết cần phải tuân thủ nghiêm các quy định về sử dụng
thuốc BVTV trong danh mục được phép của EU.
Doanh nghiệp trong liên kết sản xuất,
xuất khẩu hoặc người sản xuất có thể tiếp cận danh mục hoạt chất trong thuốc
BVTV và chất cơ bản đã được hoặc không được phê duyệt ở EU khi truy cập hệ
thống quản lý của EU.
Ngoài ra, không phải tất cả hoạt chất
thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam đều được đăng ký tại EU và nằm trong
danh mục thuốc đã được phê duyệt của EU. Các hoạt chất này trên sản phẩm của
Việt Nam xuất khẩu sang EU bị áp mức MRL rất thấp (MRL mặc định), thường là
0,01 ppm.
Do vậy, giải pháp thực tế nhất cho
các nhà vườn thanh long để xuất sang EU là giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV và
tránh sử dụng những thuốc không có trong danh mục thuốc đã được phê duyệt tại
EU. Nếu buộc cần sử dụng thuốc BVTV, nhà sản xuất rau quả phải chọn những hoạt
chất đã được phê duyệt hợp pháp tại EU và được phép sử dụng tại Việt Nam. EU
cũng áp dụng chính sách khuyến khích thuốc BVTV sinh học bằng cách xóa bỏ yêu
cầu về MRL đối với thuốc sinh học. Do đó, cùng với sử dụng các phương pháp
phòng ngừa và không sử dụng thuốc, thuốc sinh học phải là phương án ưu tiên
trong quản lý dịch hại trên thanh long nói riêng và rau quả nói chung để đảm bảo
yêu cầu về an toàn thực phẩm khi xuất khẩu vào thị trường EU.
Trong năm 2020, EU thực hiện bộ chính
sách và hành động gọi là Thỏa thuận xanh châu Âu, với mục tiêu đến năm 2050 nền
kinh tế châu Âu sẽ bền vững hơn và trung hòa các-bon. Kế hoạch hành động cũng
đưa ra mục tiêu giảm 50% thuốc BVTV được sử dụng và tăng tỉ lệ đất nông nghiệp
dùng cho nông nghiệp hữu cơ lên 25% vào năm 2030. Điều này có nghĩa là nhiều
loại thuốc BVTV sẽ bị cấm tại EU và mức MRLs sẽ giảm dần trong những năm tới.
Một số biện pháp ưu tiên:
1. Quản lý vùng trồng và cơ sở sơ
chế, đóng gói
Các chủ vườn trong vùng trồng phải
tuân thủ quy trình kỹ thuật áp dụng trên cây thanh long. Triệt để tuân thủ các
biện pháp chăm sóc, quản lý dịch hại đồng thời ghi chép nhật ký với đầy đủ
thông tin liên quan đến quá trình chăm sóc, sử dụng phân bón, thuốc BVTV...,
đảm bảo việc truy xuất thông tin sau này.
Cơ sở sơ chế, đóng gói phải được
thiết lập, giám sát theo quy định của EU và đáp ứng các yêu cầu tối thiểu như:
có nguồn nước sạch, điện, hệ thống thoát nước, xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh
an toàn thực phẩm và phòng chống cháy nổ. Cơ sở đóng gói phải đảm bảo cơ sở vật
chất cho tiếp nhận, phân loại, sơ chế bảo quản và đóng gói trái thanh long theo
nguyên tắc một chiều có biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại, tránh tái nhiễm
và lây nhiễm chéo. Các loại hóa chất sử dụng trong quá trình sơ chế, bảo quản,
đóng gói phải trong danh mục được phép sử dụng của nước nhập khẩu. Bao bì và
nguyên liệu dùng cho đóng gói phải đảm bảo VSATTP, các quy cách thông tin ghi
đáp ứng yêu cầu về KDTV của Việt Nam và nước nhập khẩu.
2. Áp dụng thực hành nông nghiệp tốt –
GAP
Áp dụng Global GAP cho các nhà vườn
trong vùng trồng thanh long xuất khẩu sang EU cùng với định hướng quản lý cây
trồng tổng hợp, đảm bảo dinh dưỡng cân đối, cây khỏe, chống chịu bệnh; đảm bảo
vệ sinh đồng ruộng, nhất là thu gom và tiêu hủy tàn dư thực vật, cành thanh
long già cỗi hoặc bị bệnh; cắt tỉa cành, quả tạo thoáng để giảm tồn lưu dịch
hại trên vườn, nhất là nguồn bệnh trên cây.
3. Quản lý dịch hại trên vườn thanh
long
Sử dụng biện pháp quản lý sức khỏe
cây trồng tổng hợp (IPHM) với các biện pháp chính sau:
Biện pháp canh tác
Chú trọng cây giống sạch bệnh, giống
được xác nhận; mọi tàn dư thực vật, đặc biệt là quả, cành bị bệnh phải được thu
gom, tiêu hủy; vườn luôn được đảm bảo tưới đủ nước vào mùa khô và thoát nước
nhanh, không gây ngập úng vào mùa mưa; cắt những cành già cỗi đã 2 năm thu quả,
cành bị bệnh, hoặc cành nằm khuất trong tán, tạo thông thoáng giúp cây khỏe, ít
bệnh. Dùng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh để tăng mùn giúp gia tăng hệ vi sinh vật
đất có lợi và khả năng giữ nước; sử dụng phân vô cơ cân đối, đảm bảo pH
5,5-6,5.
Biện pháp bao quả
Sử dụng túi chuyên dụng có các lỗ nhỏ
(có thể dùng loại vải không dệt) giúp việc trao đổi không khí dễ dàng hơn,
không gây ứ đọng nước trong túi như các loại túi thông thường khác. Trong quá
trình phát triển của trái cây được bao bọc, hạn chế tình trạng thối trái, rụng
trái non, tránh bị ruồi, sâu đục trái và các côn trùng chích hút, nhện đỏ gây
hại tới trái cây; chống tia UV tác động trực tiếp lên vỏ trái làm vỏ trái bị
bỏng, rám nắng đồng thời giúp giảm đáng kể dư lượng thuốc BVTV bám trên bề mặt
trái cây qua đó tạo ra nguồn nông sản sạch, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường
xuất khẩu.
Thực hiện bao trái khi kết thúc quá
trình rụng núm hoa hoặc quả to bằng nắm tay. Trước đó nên phun thuốc trừ nấm
bệnh và côn trùng trong danh mục được phép sử dụng, để khô sau 1-2 ngày sau đó
tiến hành bao trái.
Biện pháp sinh học
Bón đầy đủ phân hữu cơ, tủ gốc giữ ẩm
và tưới nước đầy đủ hạn chế bệnh vàng bẹ cành thanh long. Bón kết hợp phân hữu
cơ với vi sinh vật có ích như: Trichoderma, Bacillus hoặc các chế phẩm chứa vi
sinh vật có lợi để hạn chế bệnh hại có nguồn gốc từ đất. Nuôi và duy trì đàn
kiến vàng Oecophylla smaragdina.
Biện pháp hóa học
Kiểm tra thường xuyên tình hình dịch
hại trên cây và khi thật sự cần thiết sử dụng thuốc BVTV. Phải tuân thủ nguyên
tắc 4 đúng, đó là đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách.
Đặc biệt lưu ý, chỉ sử dụng các hoạt chất thuốc BVTV được EU cho phép, ghi chép
tên thuốc, thời gian sử dụng, cách sử dụng, liều lượng sử dụng vào sổ nhật ký
sản xuất và lưu giữ để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc khi cần thiết theo yêu
cầu của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và EU.
Với các đối tượng kiểm dịch thực vật
Không được phép xuất hiện trong trái
thanh long, bao bì và các phương tiện bao gói đi kèm. Tại văn bản (EU)
2019/2072 đã quy định có 2 đối tượng sâu hại phổ biến trên thanh long tại Việt
Nam nhưng nằm trong Danh mục đối tượng KDTV mà EU kiểm soát hết sức nghiêm
ngặt, đó là ruồi đục quả (Bactrocera spp) và bọ trĩ (Thrips palmi).
Thu hoạch và sau thu hoạch, đóng gói
vận chuyển
Nên thu hoạch thanh long từ 32 – 35
ngày sau khi hoa nở để trái cây có chất lượng ngon và bảo quản lâu hơn cho xuất
khẩu ở các thị trường châu Âu. Nên thu hoạch lúc sáng sớm, chiều mát, tránh ánh
nắng gay gắt chiếu trực tiếp làm mất nước nhanh, ảnh hưởng đến chất lượng và
thời gian bảo quản. Dùng kéo cắt tỉa cây sắc bén, khi cắt trái xong bỏ vào giỏ
nhựa. Khi thu hoạch thanh long, không để trái xuống đất để tránh nhiễm nấm bệnh
gây hỏng cuống khi bảo quản. Bao lót kỹ tránh tổn thương do va đập, không nên
chất đầy giỏ khi vận chuyển.
Để thanh long trong bóng râm mát sau
khi hái, vận chuyển ngay về khu sơ chế để phân loại. Những trái có mẫu mã, kích
thước đồng đều, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (trọng lượng 350 - 400 gram; hình dạng
đẹp, vỏ có màu đỏ trên 70% diện tích quả; cấu trúc quả chắc...) được rửa sạch,
làm khô, bao quả hay phủ sáp nhằm giảm sự hô hấp và mất nước của quả. Sử dụng
biện pháp bao quả với túi PE có đục lỗ để duy trì chất lượng quả dài hơn trong
quá trình tồn trữ và vận chuyển (có thể dùng túi GreenMAR để tăng thời gian bảo
quản).
Ngọc Hà (nguồn: Cục BVTV https://www.ppd.gov.vn)