Bưởi có “visa” vào Hàn Quốc

12/11/2024 - 13:08 | Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Bưởi là quả tươi thứ 3 của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Hàn Quốc (cùng với thanh long và xoài). Việc bưởi của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Hàn Quốc là một bước tiến quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế, đồng thời khẳng định chất lượng và uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Vùng trồng phải đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật hàng năm

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ năm 2018, Cục Bảo vệ thực vật đã khởi động chương trình mở cửa thị trường đối với quả bưởi của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, quá trình đàm phán chỉ thực sự được đẩy nhanh tiến độ sau đại dịch Covid-19.

Sau nhiều năm nỗ lực, tích cực phối hợp, trao đổi thông tin để xúc tiến quá trình thực hiện phân tích nguy cơ dịch hại và trải qua nhiều vòng đàm phán, Cục Bảo vệ thực vật và Cục Kiểm dịch động thực vật Hàn Quốc (APQA) đã thống nhất về mặt kỹ thuật trong cuộc họp song phương vào tháng 4/2024. Đồng thời, ngày 18/7/2024, Cục Bảo vệ thực vật cũng đăng tải trên website của Cục dự thảo các yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với quả bưởi tươi của Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc để các tổ chức, cá nhân quan tâm có thể tìm hiểu và nắm trước thông tin về các quy định này. Sau đó, APQA đã chính thức công bố trên website của APQA quy định nhập khẩu đối với bưởi tươi từ Việt Nam sang Hàn Quốc.

Với 50 triệu dân, Hàn Quốc là thị trường rất tiềm năng cho bưởi Việt Nam bởi những năm gần đây nước này đang có xu hướng tăng nhập khẩu trái cây tươi. Hơn nữa, Việt Nam có lợi thế là trái bưởi có quanh năm, sản lượng lớn, trong khi các nước khác sản lượng không nhiều nên không có để xuất khẩu.

Theo đó, cả nước hiện có hơn 100.000 ha trồng bưởi, với sản lượng hơn 900.000 tấn. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 32.000 ha, với sản lượng khoảng 370.000 tấn, được xem là vùng sản xuất trọng điểm. Các giống bưởi nổi tiếng, có tiềm năng xuất khẩu lớn gồm: bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, bưởi Tân Triều. bưởi tươi Việt Nam đã được xuất khẩu sang 12 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vừa qua, bưởi Việt Nam đã có “visa” xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Mỹ, New Zealand. Do đó, việc Hàn Quốc mở cửa là cơ hội để chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu trái bưởi Việt Nam.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu xuất khẩu bưởi sang Hàn Quốc, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, theo yêu cầu của cơ quan quản lý Hàn Quốc, các vùng trồng sản xuất quả bưởi tươi xuất khẩu sang Hàn Quốc phải đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật hàng năm để cơ quan này quản lý và giám sát.

Cục Bảo vệ thực vật sẽ quản lý và giám sát các vùng trồng xuất khẩu để đảm bảo các loài dịch hại mà phía Hàn Quốc quan tâm ở ngưỡng mật độ thấp qua hoạt động giám sát và kiểm soát dịch hại. Quy trình này được giám sát kỹ lưỡng để đảm bảo không có các loài sinh vật gây hại, gồm các bước như làm sạch bằng nước, khí nén. Thùng trái cây thu hoạch phải được gắn nhãn, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ từ vùng trồng đã đăng ký.

Kiểm tra trên 2% của tổng số thùng carton hoặc 600 quả cho mỗi lô hàng

Yêu cầu kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với quả bưởi tươi từ Việt Nam vào Hàn Quốc cũng nêu rõ, khi quả bưởi tươi xuất khẩu sang Hàn Quốc đến cơ sở đóng gói thì thùng trái cây thu hoạch phải được gắn nhãn. Nhãn phải ghi rõ quả bưởi tươi được sản xuất trong vùng trồng xuất khẩu đã đăng ký, bao gồm tên hoặc số đăng ký của vùng trồng. Cơ sở đóng gói xuất khẩu phải xác minh lại thông tin ghi trên nhãn.

Khi phân loại quả bưởi tươi xuất khẩu sang Hàn Quốc phải đảm bảo quả bưởi được sản xuất từ vùng trồng bưởi chưa đăng ký hoặc các loại trái cây tươi khác không được phân loại cùng nhau. Quả bưởi tươi đáp ứng yêu cầu để xuất khẩu sau khi kiểm tra phải được đóng gói trong từng thùng carton bằng các phương pháp (bao gồm băng dính, nhãn dán hoặc nhãn) đã được Cục Bảo vệ thực vật phê duyệt.

Ở bên ngoài, thùng carton đóng gói xuất khẩu hoặc pallet hàng hóa, phải được dán nhãn "Xuất khẩu đi Hàn Quốc" và "tên (hoặc số đăng ký) của vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu". Trong trường hợp có bất kỳ lỗ thông gió nào trên thùng carton đóng gói, hoặc hàng hóa xếp trên pallet, cần phải được phủ bằng lưới có đường kính không quá 1,6mm.

Trước khi thông quan, Cục Bảo vệ thực vật sẽ gửi cho APQA thư yêu cầu cho việc kiểm tra cho cán bộ kiểm tra của Hàn Quốc, 30 ngày trước khi bắt đầu xử lý hơi nước nóng. Cán bộ kiểm dịch thực vật của APQA sẽ kiểm tra quá trình xử lý hơi nước nóng và thực hiện kiểm tra xuất khẩu phối hợp với cán bộ kiểm dịch thực vật của Cục Bảo vệ thực vật và nếu cần thiết, kiểm tra điều kiện vệ sinh của vùng trồng và nhà đóng gói xuất khẩu.

APQA sẽ tiến hành kiểm tra trước khi thông quan trong 3 năm đầu tiên sau khi tiếp cận thị trường, sau đó kết quả kiểm tra trước khi thông quan sẽ được đánh giá để xác định xem có nên tiếp tục kiểm tra trước khi thông quan hay không.

Việc kiểm tra xuất khẩu sẽ được thực hiện bởi cán bộ kiểm dịch thực vật Hàn Quốc và Việt Nam, trên 2% của tổng số thùng carton hoặc 600 quả cho mỗi lô hàng. Các cán bộ APQA và Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiến hành kiểm tra cắt trái cây đối với ít nhất 50 quả cho mỗi lô hàng xuất khẩu và kiểm tra để phát hiện sự gây hại của Prays endocarpa và Citripestis sagittiferella.


Hải Dương

(Sưu tầm: https://haiquanonline.com.vn/buoi-co-visa-vao-han-quoc-191220.html)