Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Cần có các giải pháp tiếp cận thị trường nông sản tổng quan hơn'

17/05/2024 - 09:58 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Đây là ý kiến kết luận của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Trưởng Ban Chỉ đạo chất lượng, ATTP và phát triển thị trường, tại phiên họp lần thứ nhất của ban. Ngày 10/5/2024, Bộ NN-PTNT ban hành Thông báo số 3387/TB-BNN-VP về ý kiến kết luận của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Trưởng Ban Chỉ đạo tại phiên họp lần thứ nhất Ban chỉ đạo chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) và phát triển thị trường.

Trước đó, ngày 11/4/2024, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Trưởng Ban Chỉ đạo, đã chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo chất lượng, ATTP và phát triển thị trường (Ban Chỉ đạo). Tham dự Phiên họp có Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, các Thành viên Ban Chỉ đạo và cơ quan thông tấn, báo chí.

Sau khi nghe lãnh đạo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) trình bày báo cáo tổng hợp, ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan có ý kiến kết luận như sau:

Năm 2023, Ban Chỉ đạo chất lượng, ATTP và phát triển thị trường (hợp nhất Ban Chỉ đạo phát triển thị trường nông sản và Ban Chỉ đạo chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản trong lĩnh vực nông nghiệp) đã chủ động tham mưu, giúp Bộ trưởng chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các cơ quan thuộc bộ, ngành ở Trung ương, địa phương; cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ về bảo đảm chất lượng, ATTP và phát triển thị trường nông lâm thủy sản, góp phần quan trọng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Trong thời gian tới, bên cạnh các cơ hội, ngành nông nghiệp gặp nhiều thách thức đến từ biến đổi khí hậu, biến đổi thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Công tác bảo đảm chất lượng, ATTP và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tiếp tục đòi hỏi sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và sự tham gia tích cực của các hội, hiệp hội, các tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, Ban Chỉ đạo cần bám sát vào các định hướng, mục tiêu, nội dung, giải pháp trong các văn bản định hướng, chỉ đạo về phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ về đảm bảo an ninh, ATTP và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông lâm thủy sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế, chỉ đạo triển khai Kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo năm 2024 và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cụ thể như sau:

Quán triệt các thành viên Ban Chỉ đạo, các Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo tổ chức triển khai Kế hoạch đảm bảo chất lượng, ATTP, gia tăng chế biến và phát triển thị trường năm 2024 đến công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan.

Chỉ đạo gắn kết hoạt động thị trường của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng với các hoạt động tiếp cận, mở cửa thị trường, thông tin thị trường của các cơ quan chức năng, các bộ, ngành, cơ quan tham tán, thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài…; có các giải pháp tiếp cận thị trường tổng quan hơn, nhiều chiều thông qua quan hệ quốc tế tiếp cận phù hợp theo phân loại thị trường truyền thống, thị trường tiềm năng, thị trường ngách.

Giao Cơ quan thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo tham mưu, đề xuất cơ chế điều phối hoạt động, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng thuộc Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc xử lý những vấn đề liên ngành, phát sinh trong cả công tác bảo đảm chất lượng, ATTP và phát triển thị trường nông lâm thủy sản.

Các hội, hiệp hội ngành hàng đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp của mỗi ngành hàng nên cần chủ động, tích cực: Đề xuất Bộ Nội vụ sửa đổi Quy chế hoạt động mẫu của hội, hiệp hội, làm rõ vai trò, vị trí của các hội, hiệp hội ngành hàng trong xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam; chia sẻ thông tin và tuyên truyền, vận động các thành viên tham gia liên kết xây dựng và chia sẻ vùng nguyên liệu đạt chuẩn, chất lượng cao gắn với mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản; tổ chức cấu trúc lại ngành hàng theo hướng gắn kết chặt chẽ các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ.

Ngọc Hà (nguồn: nongnghiep.vn)