Ban hành kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn năm 2022.

21/02/2022 - 15:27 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Ngày 11/02/2022, Ông Nguyễn Công Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã kí ban hành Quyết định số 398/QĐ-UBND về việc Phê duyệt kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn năm 2022 trên địa bàn tỉnh.

            Quyết định được ban hành sẽ giúp cho ngành nông nghiệp đặc biệt là cơ quan chuyên ngành thú y chủ động triển khai đồng bộ có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm (GSGC) với phương châm “Phòng bệnh là chính, chữa bệnh khi cần thiết” nhằm giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận cơ sở chăn nuôi, phát hiện sớm, bao vây khống chế, xử lý kịp thời, ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên động vật xâm nhập, lây lan trên diện rộng, giảm số ổ dịch góp phần giảm thiệt hại kinh tế do dịch bệnh gây ra; hạn chế sự lây nhiễm dịch bệnh từ GSGC sang người; đảm bảo an toàn sinh học cho người trực tiếp tham gia phòng, chống dịch; sẵn sàng các phương án, nguồn nhân lực, vật tư, hóa chất để chủ động xử lý khi phát sinh các dịch bệnh. Đồng thời tạo điều kiện để người chăn nuôi an tâm đầu tư phát triển bền vững, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, bảo vệ các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật tạo ra vùng nguyên liệu cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, tăng thu nhập cho người chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

            Công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm:

+ Công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn: tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng và nguy cơ tác hại, của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh. Tổ chức các lớp tập huấn về công tác phòng, chống dịch bệnh và các buổi hội thảo khoa học nâng cao biện pháp phòng, chống dịch bệnh GSGC, cập nhật thông tin và giải pháp mới cho lực lượng thú y các cấp và chủ các trang trại chăn nuôi tập trung.

+ Triển khai chăn nuôi an toàn sinh học: hướng dẫn kê khai, cập nhật, khai báo hoạt động chăn nuôi đối với chính quyền địa phương theo qui định của pháp luật. Triển khai thực hiện triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt: cách ly, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, bằng vôi; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi bảo đảm áp dụng có hiệu quả các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

+ Tổ chức nuôi tái đàn: triển khai, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đúng các nguyên tắc, yêu cầu đối với chăn nuôi tái đàn gia súc, gia cầm nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh; đồng thời tăng cường kiểm tra, hướng dẫn thực hiện tốt các bước nuôi tái đàn theo các quy định hiện hành.

+ Công tác tiêm phòng vắc xin phòng bệnh: tổ chức tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh Lở mồm long móng cho trâu, bò, dê, cừu, lợn; bệnh Dịch tả cho lợn; bệnh Cúm gia cầm cho đàn gia cầm; bệnh Viêm da nổi cục cho trâu bò; bệnh Niu - cát - xơn cho gà, chim cút.

+ Tổ chức giám sát dịch bệnh: bao gồm giám sát phát hiện dịch bệnh định kỳ tại các cơ sở chăn nuôi, chợ buôn bán GSGC hoặc từ những động vật ốm, chết không rõ nguyên nhân; bao gồm giám sát lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm, nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch lây lan, gây tác hại cho sản xuất chăn nuôi và giám sát bảo hộ sau tiêm phòng được thực hiện sau khi tiêm phòng để đánh giá kết quả tiêm phòng và khả năng đáp ứng miễn dịch của đàn GSGC sau khi được tiêm vắc xin

+ Công tác vệ sinh, tiêu độc môi trường: tổ chức các chiến dịch tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường 3 đợt trong năm (Sau 2 đợt tiêm phòng chính trong năm và 1 đợt trước tết Nguyên đán, theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT và của UBND tỉnh). Ngoài các tháng vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường do Bộ Nông nghiệp và PTNT và UBND tỉnh phát động; các cơ sở chăn nuôi chủ động, tự túc vật tư, hóa chất định kỳ thực hiện khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi theo hướng dẫn của cơ quan Thú y.

+ Kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y: tổ chức kiểm dịch tận gốc đối với động vật và sản phẩm động vật; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra - vào địa bàn tỉnh; đẩy mạnh việc kiểm tra vệ sinh thú y đối với động vật, sản phẩm động vật tại các chợ, các điểm giết mổ, các tụ điểm buôn bán GSGC và thủy sản theo quy định.

+ Biện pháp xử lý khi phát hiện dịch bệnh: thực hiện khẩn trương, đồng bộ các biện pháp bao vây, khống chế, dập dịch theo hướng dẫn, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và các quy định hiện hành.

+ Các công tác khác: bao gồm quản lý hoạt động chăn nuôi; xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật; quản lý người hành nghề thú y; hoạt động kinh doanh thức ăn gia súc, thuốc thú y, vật tư, vắc xin dùng trong chăn nuôi.

oAHVM