Bà Rịa - Vũng Tàu tăng trưởng năm 2024 cao nhất trong 10 năm gần đây
16/01/2025 - 15:52 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh
Tổng sản phẩm trên
địa bàn cao nhất trong 10 năm gần đây Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
đang mở ra những cơ hội đột phá trong công nghệ, làm thay đổi phương thức sản
xuất, dịch vụ và quản trị. Xu thế phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế
tuần hoàn, cùng các nỗ lực chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, đang lan tỏa
mạnh mẽ, trở thành ưu tiên của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế. Điều này đã tạo
cơ hội cho Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định vai trò tiên phong trong việc áp dụng
các mô hình phát triển bền vững.
Với vị trí chiến
lược trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, năm vừa qua Bà Rịa - Vũng Tàu đã tận
dụng hiệu quả các thuận lợi từ bối cảnh trong nước và quốc tế, tập trung phát
triển hệ thống hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao. Các tiềm năng kinh tế
biển, cảng biển quốc tế, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch
xanh ngày càng được khai thác phát huy.
Nhờ đó, năm 2024
khép lại với bức tranh kinh tế trên địa bàn Tỉnh năm 2024 đã có sự phục hồi và
phát triển rất tích cực với kết quả ấn tượng khi tổng sản phẩm trên địa bàn
(GRDP) Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 11,72%, cao nhất trong 10 năm gần đây. Cụ thể, khu
vực Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,63% đóng góp 0,28 điểm phần trăm
trong tốc độ tăng trưởng; khu vực Công nghiệp và xây dựng tăng 15,76% đóng góp
8,38 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,91% đóng góp 2,21 điểm phần trăm;
thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 11,95 % đóng góp 0,85 điểm phần trăm.
Xét về cơ cấu kinh
tế, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 8,92% trong tổng
GRDP; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 53,63%; khu vực dịch vụ chiếm
tỷ trọng 27,32%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm tỷ trọng 10,13%.
Năm 2024 GRDP bình
quân đầu người trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ước là 460,63 triệu đồng/người/năm,
giảm nhẹ 1,3% so năm 2023, nguyên nhân chủ yếu là do sự tăng ảnh hưởng của sản
phẩm dầu thô khai thác và khí đốt.
Đẩy mạnh ứng dụng
công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp Tình hình nông nghiệp trên địa bàn Tỉnh
phát triển ổn định, hoạt động chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế cao. Đặc biệt,
tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ
cao; hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Theo số liệu từ Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 2024, trên địa
bàn Tỉnh có 372 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao như nhà màng,
nhà lưới, hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước kết hợp điều tiết dinh dưỡng tự
động với quy mô diện tích 5.168,4 ha, diện tích đang sản xuất 5.165,9 ha, ước sản
lượng cung cấp ra thị trường trong năm 2024 khoảng 98,4 nghìn tấn. Ngoài ra, một
số cơ sở có áp dụng công nghệ thủy canh; công nghệ aquaponics; công nghệ theo
dõi, điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ theo cảm biến, sử dụng điện năng lượng mặt trời…
Trong chăn nuôi, Tỉnh
hiện có 135 trang trại hoạt động chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao như: Thiết kế
hệ thống chuồng lạnh, sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng đệm lót sinh học
trong chăn nuôi, sử dụng giống bố mẹ nhập ngoại, chăn nuôi theo quy trình
VietGAP, tự động hóa, bán tự động hóa, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản
lý, kiểm soát, ứng dụng vi sinh trong xử lý chất thải.
Đối với lĩnh vực
thủy sản, trên địa bàn tỉnh hiện có 23 cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm và sản
xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 429,31 ha.
Các công nghệ cao được áp dụng trong sản xuất nuôi trồng thủy sản là: Hệ thống
xử lý nước cấp, nước thải hiện đại, được xử lý và tái sử dụng tuần hoàn khép
kín không xả thải ra ngoài môi trường; hình thức nuôi chủ yếu trong ao nổi, hồ
tròn lót bạt có mái che, nuôi trong nhà màng, nhà kín.
Cùng với tăng cường
ứng dụng công nghệ cao, Tỉnh còn đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản địa
phương. Các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh thực hiện liên kết với các hợp tác
xã và bà con nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi trên một số
loại cây trồng, như: Hồ tiêu, lúa, ca cao, rau các loại, cây ăn quả... với tổng
diện tích 16,2 nghìn ha. Trong nuôi trồng thủy sản có khoảng 310 ha sản xuất dưới
hình thức hợp tác và liên kết, tỷ lệ giá trị sản phẩm nuôi trồng thủy sản được
sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết.
Sản xuất công nghiệp
tiếp tục đà phát triển.
Năm 2024, hoạt động
sản xuất công nghiệp tiếp tục đà phát triển. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)
bao gồm dầu khí năm 2024 ước tính tăng 2,32%, trong đó ngành công nghiệp chế biến,
chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ đạo góp phần tăng trưởng của nền kinh tế tỉnh
với chỉ số IIP tăng khá cao 16,42% so năm trước.
IIP năm 2024 của một
số ngành cấp 2 trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ
năm trước như: Ngành chế biến thực phẩm tăng 9,46%; Sản xuất sản phẩm dầu mỏ
tinh chế tăng 2,05 lần so với cùng kỳ năm 2023; Sản xuất hóa chất, các sản phẩm
từ hóa chất tăng 59,38%; Sản xuất kim loại tăng 15,95%.
Sản xuất và phân
phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước đang tạo ra những động lực mới cho tăng
trưởng trên địa bàn tỉnh với IIP năm 2024 tăng 14,21% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng nói là các nhà máy sản xuất điện trên địa bàn Tỉnh đang dịch chuyển sang
xu hướng “xanh hóa” khi tăng cường sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng LNG do Tổng
công ty khí Việt Nam (PV Gas) nhập khẩu, sản xuất và cung cấp.
Đẩy nhanh tiến độ
thi công các dự án, công trình giao thông trọng điểm
Tổng vốn đầu tư thực
hiện trên địa bàn Tỉnh năm 2024 ước đạt 81,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,81% so với
năm trước, trong đó: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước gần 34,5 nghìn tỷ đồng,
tăng 34,82%; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân ước khoảng 23,8 nghìn tỷ đồng, giảm
0,48%; vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước ước đạt 21,4 nghìn tỷ đồng, tăng
8,89%.
Nhiều dự án, công
trình giao thông trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ thi công, tạo kỳ vọng lớn về
sự phát triển vượt bậc trong thời gian tới. Đây là những công trình hạ tầng chiến
lược, mang tính đòn bẩy cho phát triển. Điển hình là dự án thành phần 3 thuộc dự
án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng mức đầu
tư 4.966,53 tỷ đồng, chiều dài 19,5km, với 11 cầu và 1 hầm dân sinh được triển
khai với tiến độ thần tốc, đã hoàn thành 16km và hơn 61% tổng khối lượng công
việc, dự kiến sẽ thông xe kỹ thuật vào tháng 4/2025, sớm hơn 8 tháng so với kế
hoạch. Việc hoàn thành, đưa vào sử dụng công trình này không chỉ giảm tải cho
các tuyến đường hiện hữu mà còn tạo ra kết nối thuận tiện giữa Bà Rịa-Vũng Tàu
và các tỉnh lân cận, đặc biệt là TP.Hồ Chí Minh. Đây là điều kiện quan trọng để
thu hút đầu tư vào các KCN, thúc đẩy vận chuyển hàng hóa và phát triển dịch vụ
logistics.
Hay dự án cầu Phước
An có chiều dài khoảng 4,38 km, với tổng mức đầu tư của dự án gần 4,88 nghìn tỷ
đồng, đã hoàn thành hơn 55% khối lượng công việc và dự kiến hoàn thành vượt tiến
độ 6 tháng so với kế hoạch. Cây cầu này dự kiến hoàn thành vào năm 2027 sẽ tạo
sự kết nối hiệu quả giữa các khu công nghiệp và cảng biển trong tỉnh với các tỉnh,
thành lân cận, giảm ùn tắc giao thông, góp phần giảm chi phí vận tải và nâng
cao hiệu quả logistics.
Bên cạnh đó, Tỉnh
tập trung nguồn lực thực hiện các dự án giao thông kết nối, như đường cao tốc
Biên Hòa - Vũng Tàu, dự án cầu Phước An, đường ven biển ĐT994… đồng thời phối hợp
chặt chẽ với các địa phương trong vùng triển khai đầu tư tuyến đường Vành đai 4
TP.Hồ Chí Minh gắn với cảng quốc tế Cái Mép, sân bay quốc tế Long Thành để hình
thành hành lang kinh tế, khu thương mại tự do Cái Mép Hạ, công nghiệp, cảng,
logistics; kết nối hệ thống giao thông quốc gia, mở rộng không gian phát triển
với các tỉnh trong vùng và ngoài vùng.
Bên cạnh kết quả
trên, hoạt động thu hút đầu tư tiếp tục là điểm sáng của địa phương với 57 dự
án, điều chỉnh tăng vốn cho 30 dự án mới trong và ngoài nước, với tổng vốn hơn
2 tỷ USD vốn nước ngoài và hơn 42.013 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 136% kế hoạch
năm 2024 và gấp 2,1 lần năm 2023.
Ngành thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá
Cũng theo số liệu
của Cục Thống kê tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngành thương mại, dịch vụ địa phương
có mức tăng trưởng khá, hạ tầng thương mại ngày càng được đầu tư mở rộng, tạo động
lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế.
Tính chung cả năm
2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tỉnh Bà Rịa -
Vũng Tàu ước đạt 122,0 nghìn tỷ đồng, tăng 13,42% so với cùng kỳ năm trước
Xét riêng về tổng
mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn Tỉnh trong tháng 12/2024 ước tính đạt gần 6,7
nghìn tỷ đồng, tăng 1,15% so với tháng trước và tăng so với cùng kỳ là 9,74%. Cả
năm 2024 tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 75,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12,94% so với
cùng kỳ (quý III tăng 13,04%; quý IV tăng 12,47%).
Năm vừa qua, một số
nhóm ngành có tốc độ tăng trưởng cao so năm trước là: Lương thực, thực phẩm
tăng 17,19% (quý III tăng 20,23%; quý IV tăng 19,33%); Nhóm xăng, dầu các loại,
tăng 14,1% (quý III tăng 9,77%; quý IV tăng 3,08%); vật phẩm, văn hóa, giáo dục
tăng 10,77% (quý III tăng 12,78%; quý IV tăng 18,83%); Nhiên liệu khác (trừ
xăng dầu) tăng 5,43% (quý III tăng 2,4%; quý IV tăng 9,17%); đá quý, kim loại
quý tăng 14,59% (quý III tăng 4,97%; quý IV tăng 11,34%); Đồ dùng, dụng cụ,
trang thiết bị gia đình tăng 14,82% (quý III tăng 25,09%; quý IV tăng 20,23%);
Gỗ và vật liệu xây dựng tăng 3,42% (quý III tăng 1,33%; quý IV tăng 5,14%);
Hàng hoá khác tăng 13,29% (quý III tăng 11,47%; quý IV tăng 9,48%).
Năm 2024, Nhà nước
tiếp tục có các chính sách hỗ trợ người tiêu dùng, sức mua được khôi phục và
tăng trưởng. Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng
Việt Nam" đã tập trung toàn diện công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều
hình thức phù hợp, hiệu quả trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Du lịch phục hồi mạnh
mẽ
Năm 2024, ngành du
lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có những bước đi vững chắc, lượng khách, doanh thu
ngành du lịch ngày càng tăng, khẳng định là điểm đến uy tín, thương hiệu thông
qua việc thăng hạng trên hệ thống bình chọn từ cộng đồng du lịch và cơ quan
truyền thông.
Lĩnh vực dịch vụ
lưu trú, ăn uống của Tỉnh có sự phục hồi tích cực, nhu cầu vui chơi và du lịch
của người dân tăng cao, đặc biệt trong dịp hè. Năm 2024, doanh thu dịch vụ lưu
trú, ăn uống ước tính là 15,1 nghìn tỷ đồng, tăng 15,24% so với cùng kỳ năm trước,
trong đó: Dịch vụ lưu trú ước đạt 6,4 nghìn tỷ đồng, tăng 15,9%; Dịch vụ ăn uống
8,7 nghìn tỷ đồng, tăng 14,77%.
Năm vừa qua, ngành
du lịch lữ hành địa phương tiếp tục ghi nhận nhiều nỗ lực trong việc thu hút
khách quốc tế, do đó khách trú đông, đặc biệt là khách tàu biển vào mùa cuối
năm. Các doanh nghiệp du lịch đã tăng cường đầu tư cải thiện cơ sở vật chất, tổ
chức tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên và triển khai nhiều kế hoạch
kinh doanh mới, nhằm mang đến nhiều trải nghiệm tốt nhất cho du khách. Bên cạnh
việc tham gia các chương trình văn hóa lớn của Tỉnh, nhiều doanh nghiệp còn
tung ra các gói ưu đãi, giảm giá và các chương trình kích cầu du lịch đặc sắc.
Đặc biệt, ngành du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không ngừng đẩy mạnh quảng bá
hình ảnh điểm đến qua các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội và báo chí, đồng thời
tổ chức các sự kiện, lễ hội hấp dẫn nhằm gia tăng sức hút và tạo dấu ấn riêng
cho du lịch địa phương trong năm mới.
Theo thống kê,
doanh thu du lịch lữ hành tháng cả năm 2024 ước đạt 422,2 tỷ đồng, tăng 28,7%
so với năm trước. Tổng số lượt khách do các cơ sở lưu trú phục vụ trong năm ước
tính đạt 7,7 triệu lượt khách, tăng 13,24% so với cùng kỳ năm trước, trong đó:
Lượt khách ngủ qua đêm ước khoảng 5,1 triệu lượt, tăng 14,89%; khách quốc tế có
lưu trú ước gần 264 nghìn lượt khách, tăng 13,07%; tổng số ngày khách phục vụ
khoảng 6,5 triệu ngày khách, tăng 14,11%. Lượt khách du lịch theo tour ước 197
nghìn lượt, tăng 25,91% so với cùng kỳ; ngày khách du lịch theo tour ước tính
523 nghìn ngày, tăng 26,61% so với cùng kỳ.
Bên cạnh các kết
quả trên, năm 2024, các hoạt động văn hóa, xã hội và chính sách an sinh xã hội
tiếp tục đẩy mạnh thực hiện và đạt được kết quả quan trọng; đời sống dân cư được
quan tâm, cải thiêṇ, đạt kết quả tích cực.
Năm 2025, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 10%, GRDP bình quân đầu người (trừ dầu khí) đạt 9.620 USD; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,81%. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng hai con số vào năm 2025, Tỉnh xác định sẽ tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng để tạo động lực phát triển mới; thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng; sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển, tiết kiệm tài nguyên; chú trọng bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Cùng với đó là đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý nhà nước.
Thúy Nga