Bà Rịa – Vũng Tàu: Sẵn sàng cho vùng nguyên liệu nhãn xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản

03/02/2023 - 11:19 | Giá cả, thông tin thị trường

Nhãn là loại trái cây tươi thứ 4 của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, sau thanh long, xoài Cát Chu và vải. Ở Việt Nam, nhãn được trồng ở rất nhiều vùng khác nhau trên cả nước. Tổng diện tích khoảng 80.000 ha, đứng trong top 5 các loại cây ăn quả có diện tích lớn nhất cả nước. Sản lượng hơn 600.000 tấn/năm. Quả nhãn trước khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, lô hàng nhãn phải được xử lý bằng biện pháp xử lý lạnh, ở nhiệt độ 1,3oC trong thời gian 13 ngày trước khi xuất hàng qua Nhật là một trong những yêu cầu của đối tác nhằm loại bỏ sinh vật gây hại.

Ngày 03/01/2023 vừa qua, Việt Nam xuất khẩu lô nhãn đầu tiên sang Nhật Bản, hơn 10 tấn nhãn tươi đầu tiên của Công ty trái cây Hoàng Phát đóng tại tỉnh Long An vừa được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản mở ra cơ hội tăng trưởng  cho trái cây Việt trong năm 2023.

Hiện nay, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có tổng diện tích sản xuất nhãn là 1.675 ha, phân bố chủ yếu tại các huyện Xuyên Mộc, Đất Đỏ, thị xã Phú Mỹ và thành phố Vũng Tàu. Giống nhãn sản xuất chủ yếu là nhãn xuồng cơm vàng, nhãn edor,... cây nhãn cho năng suất trung bình 13,4 tấn/ha, với sản lượng ước tính khoảng 20.398 tấn.


Ông Phan Thế Hoành, Giám đốc HTX DVNN Nhân Tâm thăm vườn nhãn đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu thị trường Nhật Bản.


Ngày 19/01/2023, Cục Bảo vệ thực vật ban hành văn bản số 224/BVTV-HTQT về quản lý vùng trồng nhãn và thanh long xuất khẩu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đó, hai (02) vùng trồng nhãn của Công ty Thái Lâm diện tích 11 ha tại địa chỉ ấp Phú Sơn, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Nhân Tâm diện tích 29,2 ha, địa chỉ ấp Phú Lâm, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của nước Nhật Bản và được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu thị trường Nhật Bản.

Trong thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh sẽ triển khai tập huấn, hướng dẫn cho các địa phương và các bên liên quan quy định của Nhật Bản về các yêu cầu nhập khẩu đối với trái nhãn. Người trồng nhãn phải có sự liên kết, phối hợp, chung tay để bảo đảm các điều kiện duy trì mã số, đảm bảo sản phẩm sản xuất ra phải đồng đều về chất lượng và mẫu mã. Những đối tượng sinh vật gây hại mà phía Nhật Bản quan tâm, từ cán bộ kỹ thuật, người trồng phải nắm rất rõ và có biện pháp phòng chống ngay từ khâu trước khi thu hoạch.

Thanh Hiền.TT&BVTV