Bà Rịa – Vũng Tàu: Nông nghiệp chuyển hướng tích cực sang sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất
04/08/2023 - 08:39 | Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Bà Rịa -Vũng Tàu là tỉnh nằm ở vùng
Đông Nam Bộ, có điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho phát
triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ƯDCNC. Tỉnh đã đầu tư xây dựng đồng
bộ kết cấu hạ tầng, thủy lợi, đê, kè..., tạo thuận lợi trong công tác tưới tiêu
phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân; Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện
có 12 cảng cá có khả năng đáp ứng dịch vụ hậu cần khoảng 360.000 tấn/năm; 08 cơ
sở cơ khí đóng sửa tàu thuyền; các khu neo đậu tránh trú bão... Tỉnh cũng đã
thông qua Đề án thành lập Trung tâm nghề cá lớn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn
với ngư trường Đông Nam Bộ, hiện đang phối hợp với Sở Xây dựng, Tập đoàn Khải
Hoàn triển khai thực hiện.
Phát huy những thế mạnh này, thời gian qua, lĩnh vực nông
nghiệp, nông thôn tỉnh đã không ngừng phát triển, đóng góp quan
trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội; cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo
hướng tích cực; Cùng với đó, các tiến bộ khoa học, nhất là công nghệ cao được
chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất ngày càng nhiều, góp phần nâng cao năng
suất, hiệu quả sản xuất. Xác định phát triển nông nghiệp ƯDCNC là điều kiện
tiên quyết, tạo đột phá giúp nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông
sản, những năm gần đây, một số hợp tác xã, doanh nghiệp và hộ dân đã đầu tư,
ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất.
Tính đến tháng 5/2023, trên địa bàn tỉnh
có 439 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao (tăng 95 cơ sở so với
cùng kỳ và tăng 05 cơ sở so với tháng trước), với quy mô diện tích 5.674 ha
(tăng 30,75 ha so tháng trước), diện tích đang sản xuất 5.674 ha. Các công nghệ áp dụng điển hình như: Nhà màng, nhà
lưới, hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước kết hợp điều tiết dinh dưỡng tự động,
công nghệ thủy canh,… trên các sản phẩm như rau các loại (rau ăn lá, dưa lưới,…),
cây ăn quả (bưởi, chuối, bơ, nhãn, mít,…), cây công nghiệp (hồ tiêu, ca cao,…), hoa, nấm ăn,...
Trong chăn nuôi, hiện có 132 trang
trại hoạt động chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao (tổng đàn 114.000 heo thịt,
39.287 heo nái, 2.535.000 gà thịt, 90.000 gà giống, 54.000 vịt giống, chiếm tỷ
lệ 39,9% tổng đàn gia cầm và 40,9%/tổng đàn heo). Các công nghệ sử dụng gồm:
Trang trại thiết kế hệ thống chuồng lạnh, sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, sử dụng giống bố mẹ nhập
ngoại.
Trong lĩnh vực thủy sản, có 21 cơ sở nuôi thủy sản thương
phẩm và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng
419,26 ha (tăng 8,6 ha so với cùng kỳ và bằng so tháng trước). Công nghệ
áp dụng sản xuất: nuôi trong ao đất hay hồ tròn có lót bạt trong nhà màng, nguồn
nước tuần hoàn và khép kín, sử dụng hệ thống máy lọc nước hiện đại, ứng dụng kỹ
thuật kiểm soát, quản lý nuôi của Israel, quy trình 03 sạch, công nghệ nuôi tôm
siêu thâm canh với mật độ 250-500 con/m2, 3-5 vụ/năm,...
Trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp
đang thực hiện liên kết với các hợp tác xã và bà con nông dân trong sản xuất,
tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi trên một số loại cây trồng, gồm: hồ tiêu, lúa, ca
cao, rau các loại, cây ăn quả,... với tổng diện tích 16.377 ha, giảm 221 ha so
cùng kỳ và giảm 22 ha so với tháng trước (trong đó: lúa 115 ha, bắp 43 ha,
rau 29 ha, cao su 14.287 ha, cacao 54 ha, hồ tiêu 793 ha, cây ăn quả 1.015 ha,
khoai mài 60 ha,...). Trong chăn nuôi, có 29 cơ sở nuôi heo với tổng đàn
khoảng 28.900 con nái và 72.800 con heo thịt, 23 cơ sở chăn nuôi gà với tổng
đàn 2.240.000 con gà thịt và 152.000 con gà trứng, 07 cơ sở chăn nuôi vịt với tổng
đàn 172.000 con vịt trứng liên kết theo hình thức chăn nuôi gia công. Trong
nuôi trồng thủy sản có khoảng 310 ha sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết.
Sau
4 năm thực hiện Đề án 04-ĐA/TU ngày 28/7/2017 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà
Rịa - Vũng Tàu về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) đến
năm 2020, tầm nhìn 2025 (Đề án 04-ĐA/TU), đến nay trên địa bàn tỉnh đã hình
thành 7 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông
nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng có nhiều khởi sắc. Năm 2022, tỉnh đã có 484
doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. 2
vùng được UBND tỉnh công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bao gồm:
Vùng sản xuất hồ tiêu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 500 ha tại
xã Hòa Hội, Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) và vùng nuôi nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao với diện tích 300 ha tại xã Lộc An (huyện Đất Đỏ).
Ngày 21/3/2023
UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 600/QĐ-UBND ngày do UBND tỉnh ban hành về
kế hoạch tiếp tục thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU ngày 28/7/2017 phát triển nông
nghiệp công nghệ cao (NNCNC) đến năm 2025, theo đó Trong giai đoạn này, tỉnh
tiếp tục xây dựng và phát triển các vùng sản xuất NNCNC, vùng sản xuất hàng hóa
chuyên canh theo chuỗi giá trị, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh;
thu hút DN đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đồng
thời, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống vật
chất, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Cụ
thể, đến năm 2025, tỉnh sẽ phấn đấu hình thành Trung tâm ứng dụng NNCNC; tăng
giá trị sản xuất và thu nhập trên đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp gấp
1,5 lần so với năm 2021, đưa tỷ trọng giá trị sản xuất NNCNC chiếm trên 50% tổng
giá trị sản xuất nông nghiệp; các diện tích đất quy hoạch phát triển NNCNC được
thu hồi để triển khai thực hiện các dự án sản xuất NNCNC; quy hoạch và xây dựng
5 vùng sản xuất NNCNC trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy
sản: vùng sản xuất hồ tiêu, vùng chăn nuôi, vùng cây ăn quả và vùng thủy sản gắn
với liên kết sản xuất nâng cao chuỗi giá trị, cung cấp nguyên liệu cho công
nghiệp chế biến thực phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, khuyến
khích đầu tư đối với các sản phẩm chủ lực.
Ngoài ra, để đẩy mạnh thu hút đầu
tư, tỉnh khuyến khích, chuyển đổi đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất để thực hiện
các dự án sản xuất nông nghiệp ƯDCNC theo Đề án 04/ĐA-TU giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời tiếp tục mời gọi doanh nghiệp đầu tư mở rộng các mô hình thí điểm đã
được đề xuất bằng nguồn kinh phí xã hội hóa; Thực hiện hợp tác công - tư trong
phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC... Tỉnh cũng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường
tiêu thụ thông qua các hội chợ, triển lãm, hội nghị,... Hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn
địa lý, thương hiệu và xây dựng trang thông tin điện tử quảng bá các sản phẩm
nông sản ƯDCNC của tỉnh.
Thảo Nguyên