Bà Rịa – Vũng Tàu: Một số kết quả thực hiện những giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
08/07/2022 - 14:04 | Thông tin doanh nghiệp cần biết
Về cải cách hành chính: Đã triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo
của cấp trên trong công tác cải cách hành chính nhằm cắt giảm, đơn
giản hóa TTHC, điều kiện kinh doanh; quy trình nghiệp vụ các TTHC; thúc đẩy
mạnh mẽ việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử được cung cấp trên Cổng
Dịch vụ công trực tuyến tỉnh, Cổng Dịch vụ công quốc gia, qua đó giúp
người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin, thực hiện TTHC
nhanh chóng, cụ thể:
Thường xuyên chủ động cập nhật kịp thời các
thủ tục hành chính (TTHC) tham mưu UBND
tỉnh ban hành liên quan đến các giấy chứng đăng ký điều kiện kinh
doanh trong các lĩnh vực thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn theo đúng quy định; Việc đẩy mạnh cải cách hành chính luôn được chú
trọng đặt ra trong tất cả lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, qua đó
giúp người dân, doanh nghiệp được tiếp cận môi trường đầu tư, kinh
doanh minh bạch như: phấn đấu cung cấp 100% dịch vụ trực tuyến mức độ
3,4 trong phạm vi toàn ngành, thường xuyên rà soát chuẩn hóa bộ thủ
tục hành chính, kịp thời cập nhật, sửa đổi, bãi bỏ các thủ tục
hành chính không còn phù hợp, niêm yết công khai, đầy đủ TTHC, thường
xuyên trao đổi, tiếp xúc với doanh nghiệp để nắm bắt tháo gỡ khó
khăn,...
Tổ chức bộ máy hành chính
được rà soát, sắp xếp theo hướng tinh gọn. Công tác tuyển dụng và
giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức
được thực hiện đúng, kịp thời. Công tác đào tạo bồi dưỡng được chú
trọng. Kỷ luật, kỷ cương hành chính được nâng cao trong quá trình
thực thi công vụ đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ,
công chức, viên chức; Công nghệ thông tin được áp dụng thực hiện hiệu
quả trong việc giải quyết công việc hành chính. Hệ thống quản lý
chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 được tiếp tục được duy trì áp
dụng đồng bộ trong toàn ngành.
Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất nông
nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản
phẩm.
Về chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp: Ngày 10 tháng 5 năm 2019, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ
trương cho Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Xây dựng hệ thống thông
tin nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa
– Vũng Tàu” (tại văn bản số 4387/UBND-VP ngày 10/5/2019). Đến nay, đã hoàn thành việc xây dựng và bàn giao,
hướng dẫn cho các cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, các phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Phòng kinh tế các
huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh vận hành, khai thác dữ liệu từ hệ thống để
phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp;
Về phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; hỗ
trợ phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm: Tính đến ngày 18/6/2022, trên địa bàn tỉnh có 344 cơ
sở sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, với quy mô diện tích 5.321 ha,
diện tích đang sản xuất 5.295 ha (gồm:
2.540 ha cây ăn quả, 2.632 ha hồ tiêu, 78 ha rau các loại, 11 ha dưa lưới, 50
ha nhàu,…); trong năm 2022 ước tổng sản lượng cung cấp ra thị trường khoảng
58.678 tấn sản phẩm. Các công nghệ áp dụng gồm: nhà màng, nhà lưới, hệ thống
tưới tiên tiến tiết kiệm nước kết hợp điều tiết dinh dưỡng tự động, công nghệ
thủy canh, theo dõi điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm theo cảm biến, sử dụng điện năng
lượng mặt trời. Một số doanh nghiệp trồng trọt
ứng dụng công nghệ cao điển hình như: Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông nghiệp
và dược liệu Phong Thảo, Công ty Hòa Lâm, Hợp tác xã Bưởi da xanh Sông Xoài,...
Trong chăn
nuôi, hiện có 127 trang trại hoạt động chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với
tổng diện tích khoảng 515 ha (tổng đàn
114.000 heo thịt, 39.287 heo nái, 2.535.000 gà thịt, 90.000 gà giống, 54.000
vịt giống, chiếm tỷ lệ 38,5% tổng đàn gia cầm và 37,8%/tổng đàn heo). Các
công nghệ sử dụng gồm: Trang trại thiết kế hệ thống chuồng lạnh, sử dụng chế
phẩm sinh học, ứng dụng đệm lót sinh học
trong chăn nuôi, sử dụng giống bố mẹ nhập ngoại. Một số doanh nghiệp chăn nuôi
ứng dụng công nghệ cao điển hình như: Trang trại chăn nuôi heo Trang Linh,
Trang trại chăn nuôi heo Vĩnh Tân 2,…
Trong lĩnh vực
thủy sản, có 19 cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm và sản xuất giống thủy sản ứng
dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 409,2 ha (tăng 11,5 ha so năm 2021). Công nghệ áp dụng sản xuất: công nghệ
nuôi tôm sinh học siêu thâm canh, tuần hoàn nước, sử dụng hệ thống máy lọc nước
hiện đại, ứng dụng kỹ thuật kiểm soát, quản lý nuôi của Israel, quy trình 03
sạch, công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh với mật độ 250-500 con/m2,
3-5 vụ/năm,... Một số doanh nghiệp thủy sản ứng dụng công nghệ cao điển hình
như: Công ty TNHH Ngọc Tùng, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Thành Long,
Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Minh Phú, Chi nhánh Công ty cổ phần Chăn Nuôi
CP Việt Nam,...
Trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp đang thực
hiện liên kết với các HTX và bà con nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm
theo chuỗi trên một số loại cây trồng, gồm: hồ tiêu, lúa, ca cao, rau các loại,
cây ăn quả,... với tổng diện tích 16.340 ha, tăng 210 ha so cùng kỳ (trong đó: lúa 420 ha, bắp 43 ha, rau đậu các
loại 25 ha, cao su 13.922 ha, cacao 54 ha, hồ tiêu 793 ha, cây ăn quả 971 ha,
khoai mài 60 ha, cây dược liệu 52 ha,...). Trong chăn nuôi,
có 28 cơ sở nuôi heo với tổng đàn khoảng 29.580 con nái và 67.400 con heo thịt,
25 cơ sở chăn nuôi gà với tổng đàn 2,168 triệu con gà thịt và 90.000 con gà
giống liên kết theo hình thức chăn nuôi gia công. Trong nuôi trồng thủy sản có
khoảng 310 ha nuôi tôm.
Tiếp tục hỗ
trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19: Tiếp tục tổ chức thực hiện các giải pháp theo Nghị
quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời
“Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; Triển khai
kịp thời, đầy đủ các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh
bị ảnh hưởng sản xuất kinh doanh do tác động của dịch Covid-19 theo các Nghị
quyết của Chính phủ, hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương và các chính sách
của tỉnh.
Chủ trì, phối hợp cùng với các cơ quan trung ương và
địa phương thực hiện nhiệm vụ khắc
phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo
và không theo quy định (IUU): Tiếp tục phối hợp với các địa phương và đơn
vị liên quan thực hiện nhiệm vụ khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống
khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, cụ thể: Đã tham
mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 205/KH-UBND ngày 13/12/2021 về thực hiện các
nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và
không theo quy định trên địa bàn tỉnh để triển khai thực hiện trong năm 2022;
Quy chế quản lý, khai thác, sử dụng, xử lý thông tin dữ liệu giám sát tàu cá
tại Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND ngày 19/12/2021; Công văn số 413/UBND-VP ngày
13/01/2022 chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên
phòng tỉnh và UBND các huyện, thành phố ven biển tập trung thực hiện các nhiệm
vụ và giải pháp quyết liệt hơn nữa trong năm 2022 để chấm dứt hẳn tình trạng
tàu cá và ngư dân của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý; Tham mưu nội dung ký kết Quy chế phối hợp giữa UBND
tỉnh và Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải Quân, Cảnh sát Biển 3 trong công tác chống khai
thác IUU vào ngày 15/4/2022; Báo cáo Thường trực Tỉnh ủy đề xuất giải pháp ngăn
chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy
sản trái pháp luật tại Báo cáo số 124/BC-UBND ngày 21/4/2022 của UBND tỉnh, văn
bản 677-CV/BCSĐ ngày 09/5/2022 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh. Đồng thời, đã ban
hành Kế hoạch phối hợp các địa phương tiếp tục triển khai nhiệm vụ tuyên truyền
Luật Thủy sản, chống khai thác IUU (Quyết định số 47/QĐ-SNN ngày 28/01/2022);
Chỉ đạo Chi cục Thủy sản thường xuyên theo dõi trạm bờ nhằm phát hiện, cảnh báo
kịp thời và xử lý các tàu cá vượt ranh giới, mất tín hiệu kết nối trên biển; Phối hợp với
các lực lượng chức năng như BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, BTL Vùng Cảnh Sát biển
3, BTL Hải Quân Vùng II theo dõi, xác minh, xử lý các trường hợp tàu cá tắt
thiết bị giát hành trình, tàu cá vượt ranh giới trên biển khai thác thủy sản
trái phép. Ngày 27/4/2022, Sở Ngoại vụ
có công văn số 434/SNgV-LS về việc tàu cá BV 97878 TS cùng 3 ngư dân (thuộc địa bàn thành phố Vũng Tàu) bị bắt
giữ tại Malaysia ngày 16/4/2022. Lũy kế từ đầu năm đến nay, xảy ra 02 vụ/04 tàu
cá/28 thuyền viên thuộc địa bàn xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền và thành phố
Vũng Tàu bị lực lượng chức năng Indonesia, Malaysia bắt giữ. Hiện vụ việc đang
được các lực lượng chức năng tiếp tục điều tra, xác minh khi thuyền trưởng,
thuyền viên các tàu cá bị bắt về nước và tham mưu xử lý đúng quy định của pháp
luật.
Kim Khánh