Bà Rịa – Vũng Tàu: Kế hoạch thực hiện giải pháp tái canh cây cà phê

15/02/2023 - 08:49 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Vừa qua, ngày 06/02/2023, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa phê duyệt Quyết định 186/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Những năm gần đây, diện tích cây cà phê trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang ngày càng giảm mạnh, do giá cà phê không ổn định, hiệu quả sản xuất cà phê thấp hơn với một số cây trồng khác, phần lớn diện tích các vườn cà phê hiện tại thường là vườn cà phê già cỗi và được trồng xen nên việc đầu tư chăm sóc có hạn, tán cây bị dù, năng suất thấp. Trước thực trạng này, việc tái canh, ghép cải tạo giống đối với diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cà phê thương phẩm, nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm cà phê của tỉnh; hình thành các vùng sản xuất cà phê có giống đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và góp phần thực hiện hiệu quả Đề án tái canh cà phê giai đoạn giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.


Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện tái canh cây cà phê phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh


Kế hoạch thực hiện Đề án tái canh cà phê, giai đoạn 2021-2025 đề ra mục tiêu trồng tái canh 108 ha cà phê, với năng suất vườn cà phê sau khi trồng tái canh ở thời kỳ kinh doanh ổn định đạt bình quân 3-3,5 tấn nhân/ha; thu nhập trên một đơn vị diện tích cà phê sau khi trồng tái canh (giai đoạn năng suất ổn định) tăng 1,5 lần so với trước khi tái canh. Lộ trình thực hiện Đề án cụ thể: năm 2021 đã thực hiện với tổng diện tích thực hiện tái canh 20 ha, năm 2022-2023 thực hiện tái canh với tổng diện tích 51 ha, năm 2024 là 23 ha và năm 2025 thực hiện 14 ha. Việc thực hiện việc tái canh cà phê nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và thu nhập cho người trồng cà phê; nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị gia tăng, góp phần phát triển bền vững ngành hàng cà phê trên địa bàn tỉnh.

           Kế hoạch yêu cầu diện tích cà phê đăng ký trồng tái canh phải phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và đáp ứng các điều kiện như: vườn cà phê già cỗi, sinh trưởng kém, năng suất bình quân 3 năm liền thấp dưới 2 tấn nhân/ha, vườn cà phê không thể áp dụng biện pháp cưa đốn phục hồi hoặc ghép cải tạo; vườn cà phê trồng tái canh từ 1-3 năm tuổi bị bệnh vàng lá, thối rễ.

           Theo Quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh giao cho UBND huyện Châu Đức và huyện Xuyên Mộc có trách nhiệm triển khai thực hiện Kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện tái canh cà phê trên địa bàn quản lý về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 15/11 hàng năm. Bên cạnh đó, 2 địa phương trên, phối hợp với các Tổ chức tín dụng trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi cho vay tái canh cà phê đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý; hướng dẫn, vận động người dân tái canh cà phê theo hướng công nghệ cao, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, sử dụng các giống cà phê mới thích hợp với điều kiện sinh thái địa phương theo hướng năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

            Ngoài ra, củng cố hoạt động của các hợp tác xã hiện có, thành lập hợp tác xã đủ năng lực tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; triển khai hiệu quả chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; khuyến khích, thúc đẩy gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ cà phê theo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

                                                                                                   TT.BVTV