Bà Rịa - Vũng Tàu: Hướng dẫn khung lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản năm 2020
06/03/2020 - 08:06 | Xúc tiến thương mại
Đối với tôm thẻ và tôm sú: tại các vùng nuôi trọng
điểm trên địa bàn TP.Vũng Tàu, TP.Bà Rịa; huyện Long Điền thời gian
thả giống từ tháng 5 – 8; huyện Đất Đỏ và Xuyên Mộc thời gian thả giống tôm thẻ từ
tháng 2 – 7 và tôm sú từ tháng 2 đến tháng 8; Riêng địa bàn thị xã
Phú Mỹ thả tôm sú quanh năm.
Bà con nuôi trồng thủy sản trong năm 2020 cần lưu
ý một số vấn đề trong quá trình nuôi như sau: Đối với vùng nuôi tập trung nên thả giống chia đều
khoảng cách hợp lý để tránh sốt giá con giống và
không nên thả giống cách nhau khoảng thời gian quá dài để hạn chế tình trạng
lây lan dịch bệnh trong vùng.
Đối với các cơ sở nuôi thủy sản lồng, bè (trên
sông Chà Và, sông Dinh địa bàn thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa và sông Mỏ Nhát địa
bàn thị xã Phú Mỹ) cần theo dõi, chú ý đến nguồn nước, thông số kết quả Quan
trắc và các hoạt động của thủy sản nuôi khi có dấu hiệu bất thường phải kịp
thời xử lý: Thu hoạch thủy
sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm; Tăng cường cung cấp ôxy cho thủy sản nuôi bằng các
biện pháp có thể, nhất là vào thời điểm con nước đứng, nước ròng, đặc biệt nên
chú ý vào lúc nửa đêm trở về sáng, vì thời điểm này hàm lượng ôxy trong nước
giảm thấp nhất trong ngày, có thể dẫn đến cá chết hàng loạt; Thường xuyên vệ
sinh sạch sẽ lưới lồng nhằm tăng cường sự lưu thông, thông thoáng nước giữa các
lồng nuôi với môi trường bên ngoài, chỉ cho cá ăn vừa đủ, cần bổ sung thêm vào
thức ăn các loại vitamin, chất khoáng để giúp cá tăng cường sức đề kháng và
phục hồi sức khỏe.
Thường xuyên theo dõi các
thông báo quan trắc cảnh báo môi trường nước nuôi trồng thủy sản qua tin nhắn
diện thoại (SMS) để chủ động trong công tác quản lý môi trường nước nuôi; Chỉ
sử dụng thức ăn thủy sản; sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi
trồng thuỷ sản và các loại thuốc, hóa chất, kháng sinh theo quy định của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc
bảo vệ thực vật để diệt tạp, giáp xác trong nuôi trồng thủy sản; chấp hành
nghiêm thời hạn ngưng sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trước khi thu hoạch
theo hướng dẫn của nhà sản xuất và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn; Nêu cao ý thức sản xuất vì cộng đồng, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp
cách ly và xử lý khi có dịch bệnh xảy ra; thủy sản chết và chất thải của ao
bị bệnh phải thu gom, xử lý kịp thời. Người lao động, dụng cụ, thiết bị tiếp
xúc trực tiếp với bùn, nước khi di chuyển từ ao này sang ao khác phải được vệ
sinh để ngăn ngừa lây lan mầm bệnh (tránh dùng chung); không được thải nước
từ ao nuôi ra kênh cấp của vùng nuôi và thải nước chưa xử lý ra môi trường tự
nhiên; Nuôi theo hình thức thâm canh, bán thâm canh nên sử dụng chế phẩm sinh
học định kỳ để ổn định môi trường nước và xử lý sạch nền đáy ao nuôi; thường
xuyên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết, để đề phòng bão, lũ, lụt, triều
cường có thể xảy ra, chấp hành nghiêm chỉnh các yêu cầu và lệnh di tản khi có
thiên tai.
Đức Thành