Bà Rịa - Vũng Tàu: Giá heo hơi tăng hơn 5.000 đ/kg so với cùng kỳ năm 2023

03/05/2024 - 15:20 | Giá cả, thông tin thị trường

Theo ghi nhận của chúng tôi, giá heo hơi trung bình của 4 tháng đầu năm 2024 khoảng 56.000 - 57.000 đ/kg, so với cùng kỳ năm 2023, giá heo hơi tăng 5.096 đ/kg.

CƠ HỘI TÍCH LŨY LỢI NHUẬN

Cụ thể trong 4 tháng đầu năm 2024, giá heo hơi cao nhất 63.000 đ/kg và thấp nhất 50.000 đ/kg đều cao hơn so với cùng kỳ năm 2023, khi giá heo hơi cao nhất và thấp nhất tương ứng là 54.000 đ/kg - 48.000 đ/kg.

“Với giá heo hơi như hiện nay, một con heo thịt xuất chuồng khoảng 100 kg, gia đình chúng tôi kiếm lời khoảng 700.000 đ/con”. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Thành Hải, chủ một cơ sở chăn nuôi 60 heo nái và 400 heo thịt tại xã Bình Trung, huyện Châu Đức. Cũng với mức giá này, người chăn nuôi phải nhập heo giống về sản xuất thì kiếm lời khoảng 400.000 đ/con heo thịt. Ông Hải chia sẻ thêm.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tổng đàn heo khoảng 401.794 con, tăng 4,1% so với cùng kỳ. Trong 4 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh ghi nhận xảy ra 2 ổ dịch bệnh Dịch tả heo Châu Phi, phải tiêu hủy bắt buộc 69 con, trọng lượng 3.204 kg và các ổ dịch bệnh này đã qua trên 21 ngày không ghi nhận các trường hợp động vật mắc bệnh. Cùng với giá thức ăn chăn nuôi được điều chỉnh giảm từ 300 - 400 đ/kg vào những tháng đầu năm 2024, thì đây được xem là cơ hội để người chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh tích lũy thêm lợi nhuận sau thời gian giá heo hơi liên tục xuống thấp.

THẬN TRỌNG KHI TÁI ĐÀN

Mặc dù giá heo hơi đang ở mức có lợi nhưng người chăn nuôi vẫn e dè trong việc tái đàn để sản xuất, Ông Hồ Văn Chiến, chủ một cơ sở chăn nuôi heo tại xã Xà Bang, huyện Châu Đức cho biết, tôi nuôi 10 heo nái và số heo con sinh ra sẽ nuôi để bán thịt, mặc dù chuồng trại vẫn còn trống nhưng không nhập heo từ nơi khác về sản xuất do e ngại về tình hình dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào và không biết giá heo thịt có tiếp tục duy trì lâu không.

Đó có thể coi là tâm lý chung của người chăn nuôi trong tỉnh khi không mạnh dạn tăng đàn, tái đàn để sản xuất. Theo hệ thống quản lý thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam, một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vẫn còn diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, cụ thể bệnh Dịch tả heo Châu Phi vẫn còn các ổ dịch tại 44 xã, phường thuộc 32 quận, huyện của 16 tỉnh, thành phố và bệnh Lở mồm long móng vẫn còn xảy ra tại 8 xã, phường thuộc 4 quận, huyện tại 2 tỉnh, thành phố.

Với phương châm “Phòng bệnh là chính, chữa bệnh khi cần thiết”, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thường xuyên phối hợp với các ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các địa phương triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật đảm bảo kịp thời phát hiện sớm, kiểm soát, khống chế để dịch bệnh không xảy ra trên phạm vi rộng. Khi phát hiện vật nuôi mắc bệnh, nghi mắc bệnh, người chăn nuôi cần kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương và lực lượng thú y cơ sở để được hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, qua đó giảm thiểu tối đa thiệt hại do dịch bệnh xảy ra . Ông Bùi Quang Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo.


Thịnh Đức Minh - Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.