Bà Rịa – Vũng Tàu: Chú trọng đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

11/12/2024 - 15:46 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành nông nghiệp chỉ chiếm 6-6,5% trong tổng cơ cấu kinh tế toàn tỉnh. Mặc dù không phải là ngành kinh tế trụ cột của tỉnh, nhưng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn được coi là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện đại. Đây là giải pháp tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao. Do vậy theo quy hoạch, tỉnh vẫn xác định nông nghiệp công nghệ cao là mục tiêu, giải pháp để đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành.

            Tính đến tháng 11/2024, trên địa bàn tỉnh có 372 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao với quy mô diện tích 5.171 ha, diện tích đang sản xuất 5.166 ha, ước sản lượng cung cấp ra thị trường khoảng 99.542 tấn/năm. Các công nghệ áp dụng gồm: Nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước kết hợp điều tiết dinh dưỡng tự động. Ngoài ra, một số cơ sở có áp dụng công nghệ thủy canh; công nghệ aquaponics; công nghệ theo dõi, điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ theo cảm biến, sử dụng điện năng lượng mặt trời,...

          Trong chăn nuôi, hiện có 141 trang trại hoạt động chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao (tổng đàn 291.163 con heo, 2.851.000 con gà thịt, 98.000 con gà trứng, 87.000 con vịt giống/thịt, chiếm tỷ lệ 43% tổng đàn gia cầm và 70%/tổng đàn heo). Các công nghệ sử dụng gồm: Trang trại thiết kế hệ thống chuồng lạnh, sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, sử dụng giống bố mẹ nhập ngoại.

          Trong lĩnh vực thủy sản, có 23 cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 429,31 ha, tăng 17,15 ha so với cùng kỳ (gồm: 21 cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích 417,31 ha và 02 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng với diện tích 12 ha). Công nghệ áp dụng sản xuất: đầu tư các hệ thống xử lý nước cấp, nước thải hiện đại, nước được xử lý và tái sử dụng tuần hoàn khép kín không xả thải ra ngoài môi trường; hình thức nuôi chủ yếu nuôi trong ao nổi, hồ tròn lót bạt có mái che, nuôi trong nhà màng, nhà kín với mật độ nuôi 250-500con/m2, sản lượng đạt từ 30-50 tấn/ha/vụ; các cơ sở nuôi tôm từ 03-04 vụ/năm.

          Trên cơ sở quy hoạch, đối với lĩnh vực trồng trọt, ngành nông nghiệp tỉnh nhà tiếp tục phát triển các vùng trồng tập trung lúa, rau thực phẩm, cây cảnh, cao su, hồ tiêu, ca cao, cây ăn quả, điều, cà phê; các vùng nông nghiệp công nghệ cao xã Phước Hội, vùng nông nghiệp công nghệ cao Hoa Lâm, vùng sản xuất rau, cây ăn quả UDCNC tại Đất Đỏ, Phú Mỹ, Xuyên Mộc, Châu Đức; phát triển diện tích chứng nhận nông nghiệp hữu cơ đạt 1,5% so với diện tích đất nông nghiệp trên cây trồng chủ lực; gắn với đăng ký mã số vùng trồng, an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng.

          Đối với ngành chăn nuôi, sẽ di dời, chấm dứt hoạt động chăn nuôi tại khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn. Không phát triển các hình thức chăn nuôi tập trung tại các xã thuộc TP.Bà Rịa, TP.Vũng Tàu, TX.Phú Mỹ và toàn bộ huyện Côn Đảo. Tỉnh xây dựng vùng chăn nuôi tập trung, UDCNC, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại 3 huyện: Châu Đức, Đất Đỏ và Xuyên Mộc; đầu tư phát triển cơ sở giết mổ công nghiệp - công nghệ hiện đại.

          Đối với lĩnh vực thủy sản, tỉnh ưu tiên phát triển tàu cá khai thác xa bờ bằng nghề câu và lưới vây, chú trọng công tác bảo quản sản phẩm sau khai thác, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão; xây dựng Trung tâm nghề cá lớn của tỉnh tại Gò Găng gắn với ngư trường Đông Nam Bộ theo quy hoạch Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt...

VTH