Bà Rịa - Vũng Tàu: Chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

15/06/2023 - 10:17 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Trong 5 tháng đầu năm 2023, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được thực hiện tương đối tốt và không ghi nhận các trường hợp dịch bệnh lớn, nguy hiểm xảy ra trên động vật.

TĂNG TRƯỞNG VƯỢT CHỈ TIÊU ĐỀ RA

Hiện nay, tổng đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh 7.018.490 con vật nuôi các loại, trong đó: tổng đàn heo 399.930 con, tăng 7,1% so cùng kỳ; tổng đàn gia cầm 6,469 triệu con, tăng 2% so cùng kỳ (trong đó có 4,420 triệu con gà, tăng 3%); tổng đàn trâu bò 54.352 con, tăng 2,9% so cùng kỳ; tổng đàn dê, cừu 95.208 con, tăng 3,2% so cùng kỳ. 5 tháng đầu năm 2023, các sản phẩm chăn nuôi tiêu thụ thuận lợi, tốc độ tăng trưởng chăn nuôi tăng 4,47% so với cùng kỳ, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra (4,20%). Đây có thể coi là thành quả đáng ghi nhận, thể hiện sự quâm tâm, phối hợp của các ban ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương đã cùng với lực lượng thú y các cấp triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh và đặc biệt có sự chung tay, đồng lòng thực hiện của người chăn nuôi trong tỉnh.

CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH

Trước những diễn biến phức tạp và cực đoan của thời tiết trong giai đoạn hiện nay sẽ làm giảm sức đề kháng của vật nuôi. Bên cạnh đó, mầm bệnh còn tồn tại ngoài môi trường và ở các địa phương có ổ dịch cũ; hình thức chăn nuôi theo quy mô nông hộ nhỏ, lẻ không đảm bảo an toàn sinh học vẫn chiếm tỷ trọng cao; tình hình dịch bệnh tại các tỉnh, thành trên cả nước còn diễn biến phức tạp. Nguy cơ dịch bệnh phát sinh và lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi tại địa bàn tỉnh là rất cao.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan, tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, người chăn nuôi và cung cầu thực phẩm; người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cần chủ động, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cũng như thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học cụ thể như sau:

- Thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi với chính quyền địa phương theo quy định, thông qua hình thức này, Ủy ban nhân dân các địa phương thống kê chính xác tổng đàn vật nuôi trên địa bàn cấp xã để phối hợp với các ban, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch và dự trù vật tư, nhân lực để chủ động chống dịch, xử lý nhanh ổ dịch trong trường hợp khi có dịch bệnh xảy ra tại địa phương mình.

- Thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh đối với các bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải tiêm phòng như bệnh Cúm gia cầm, Niu - cát - xơn trên gà, Lở mồm long móng gia súc, Dịch tả heo cổ điển, Hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản (Heo tai xanh), Viêm da nổi cục trâu bò,.....

- Ngoài việc tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm thì các hộ chăn nuôi cần chú ý vệ sinh, sát trùng, tiêu độc chuồng trại và định kỳ có biện pháp ngăn chặn các loài trung gian truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài côn trùng.

- Bổ sung các loại khoáng chất, vitamin để giúp cho con vật nâng cao sức đề kháng, ngăn chặn mầm bệnh. Đảm bảo cung cấp đủ thức ăn và nước uống cho vật nuôi.

- Thường xuyên kiểm tra đàn vật nuôi, khi phất hiện con vật không bình thường (bỏ ăn, sốt, ho, thở nhanh, tiếng thở khò khè, con vật đi đứng không bình thường, ....) cần tách nuôi nhốt riêng để theo dõi, kiểm tra và báo ngay cho cán bộ thú y để có biện pháp xử lý thích hợp. Tuyệt đối không giấu dịch, cố bán chạy gia súc, gia cầm bị bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường vì rất dễ làm dịch bệnh lây lan, bùng phát mạnh.

Việc chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh trên sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi, qua đó tạo điều kiện để ngành chăn nuôi phát triển ổn định bền vững./.

Thịnh Đức Minh

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu