Ảnh hưởng của amoniac trong chăn nuôi gà thịt và hướng kiểm soát
12/10/2023 - 17:32 | Thông tin doanh nghiệp cần biết
Amoniac
trong chuồng gà được tạo ra như thế nào?
Nitơ
trong nước tiểu và phân gà tồn tại dưới dạng axit uric (80%), NH3 (10%) và urê
(5%). Khi nhiệt độ, độ ẩm, pH của phân hay chất độn chuồng nằm trong điều kiện
nhất định, quá trình phân hủy nitơ có trong axit uric và urê sẽ xảy ra nhờ vào
enzyme của các vi sinh vật. Thông thường, phân gà có pH khoảng 7,5-8,5 phù hợp
cho vi khuẩn phân hủy nitơ thành NH3 (tối ưu là pH>8,5). Bên cạnh đó, độ ẩm
>25%, nhiệt độ từ 5-25°C và môi trường hiếu khí sẽ thúc đẩy nhanh chóng quá
trình nitơ trong phân gà phân hủy thành amoniac. Do đó, để kiểm soát nồng độ
NH3 trong chăn nuôi thì cần kiểm soát tốt tất cả các yếu tố trên.
Tác động của amoniac đến chăn nuôi gà
Gây kích
ứng niêm mạc mắt
Tuỳ
thuộc vào nồng độ NH3 trong chuồng nuôi và thời gian tiếp xúc, gà sẽ có các biểu
hiện khác nhau. Nhìn chung, gà thường có biểu hiện như sưng, đỏ mí mắt; giác mạc
bị viêm, loét. Trong trường hợp nặng, gà nhắm mắt hoàn toàn, mất khả năng nhìn.
Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, năng suất của gà, cũng như làm
giảm phúc lợi động vật trong chăn nuôi.
Phá vỡ hàng rào vật lý đường hô hấp trên
NH3
trong chuồng nuôi kết hợp với hơi nước trong không khí tạo thành hợp chất gọi
là amonium. Amonium có tính kiềm nhẹ gây phá vỡ hàng rào vật lý đường hô hấp
trên. Khi gà hít vào, amonium gây kích ứng màng nhầy, tổn thương tế bào niêm mạc
và ức chế hoạt động của lông rung. Do đó, làm lông rung mất khả năng chuyển động
một chiều, dẫn đến bụi, dịch tiết, vi khuẩn, virus,... ở đường hô hấp trên
không được đẩy ra ngoài. Khi đó, mầm bệnh có thể đi sâu vào đường hô hấp dưới
và gây bệnh cho gà, phổ biến là các mầm bệnh do vi khuẩn nhu Mycoplasma
gallisepticum, Ornithobacterium rhinotracheale, E.coli,...
Ảnh hưởng đến năng suất chăn nuôi
Nồng độ amoniac cao ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất trong chăn nuôi, cụ thể là giảm tăng trọng, tăng FCR của gà. Ở nồng độ từ 10-25ppm, NH3 có thể làm trọng lượng gà giảm 2-7%; khi nồng độ đạt 25-50ppm, trọng lượng gà giảm 16-19% (Reece và cộng sự, 1980; Miles và cộng sự, 2004). Một nghiên cứu khác của Zhang và cộng sự (2015) cho thấy nhóm gà tiếp xúc với nồng độ NH3 75ppm có tăng trọng giảm 15,5%, lượng ăn vào giảm 9,6% so với nhóm đối chứng có điều kiện tiếp xúc NH3 là 3ppm. Tương tự, năm 2016, Bao Yi và cộng sự đã thực hiện thử nghiệm theo dõi khả năng tăng trưởng trên 96 con gà trong 3 tuần (từ 21-42 ngày tuổi). Gà được chia làm 2 nhóm, tiếp xúc với nồng độ NH3 lần lượt là 3ppm và 25ppm.
Ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột
Sức
khỏe đường ruột của gà có thể bị tác động khi NH3 trong chuồng nuôi có nồng độ cao.
Nghiên cứu của Zhang và cộng sự (2015) thực hiện trên 2 nhóm gà, nhóm thứ nhất
được nuôi trong điều kiện nồng độ NH3 là Oppm và nhóm thứ 2 được nuôi trong điều
kiện nồng độ NH3 là 75ppm. Thử nghiệm được thực hiện trong 21 ngày vào giai đoạn
gà 21-42 ngày tuổi. Kết quả cho thấy có sự khác biệt về chiều cao lông nhung và
độ sâu lớp tuyến ruột khi mổ khám kiểm tra lúc 42 ngày tuổi. Ở nhóm gà được
nuôi trong điều kiện không có NH3, lông nhung phát triển tốt hơn, lớp tuyến ruột
sâu hơn so với nhóm gà nuôi trong điều kiện nồng độ NH3 75ppm.
Bên
cạnh đó, nồng độ NH3 trong chuồng nuôi còn ảnh hưởng đến hệ miễn dịch gây hiện
tượng viêm quá mức, ảnh hưởng đến quá trình đáp ứng miễn dịch tự nhiên của cơ
thể gà; ngoài ra còn gây ra hiện tượng cháy chân trên gà do đặc
tính kiềm của NH3 gây ăn mòn và tổn thương da chân, gà bị cháy chân không những
ảnh hưởng tới sức khỏe, làm tăng nguy cơ xâm nhập của các mầm bệnh vào cơ thể
mà còn ảnh hưởng đến chất lượng của gà khi xuất bán.
Vậy làm cách làm để kiểm soát lượng NH3 trong chăn nuôi gà?
Quản lý chất độn chuồng
Quản lý tốt chất độn chuồng góp phần giảm thiểu sự tích tụ amoniac trong
chuồng nuôi. Chất lượng và độ dày trấu là một trong những vấn đề quan trọng ảnh
hưởng tới việc quản lý chất độn chuồng. Trấu dùng để làm chất độn chuồng phải đảm
bảo khô ráo và sạch sẽ, rải trấu với độ dày 8-10cm, đối với những vị trí gần
giàn mát cần rải trấu dày hơn. Trong quá trình nuôi, một số vị trí như phía dưới
máng uống, gần giàn mát dễ bị ẩm ướt, trường hợp chỉ ẩm ướt ở bề mặt, người
chăn nuôi cần thực hiện đảo trấu, bổ sung thêm trấu. Đối với trường hợp ẩm ướt
nhiều, cần hốt bỏ và thay bằng trấu sạch.
Quản lý độ thông thoáng chuồng nuôi
Kiểm soát độ thông thoáng
trong chuồng nuôi cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát NH3. Nếu hệ
thống quạt hút và giàn mái vận hành không tốt, không khí không được lưu thông,
NH3 sẽ tích tụ ngày càng nhiều bên trong chuồng. Do đó, trong quá trình vận
hành quạt hút, người chăn nuôi cần chú ý điều chỉnh số lượng quạt, thời gian tắt,
mở quạt để tạo độ thông thoáng phi hợp cho từng giai đoạn phát triển của gà.
Ngoài ra, kh vận hành giàn mát, người chăn nuôi cần lưu ý cài đặ timer hẹn giờ
để giàn mát có thời gian chạy - nghỉ phi hợp với điều kiện tiểu khí hậu chuồng
nuôi và độ tuổi của gà. Cuối mỗi lứa nuôi, thực hiện vệ sinh giàn mát bằng axit
citric giúp loại bỏ bụi bẩn, can-xi, ma-giê lắng đọng trên giàn mát, tăng cường
lưu thông không khí bên ngoài vào.
Như vậy, amoniac được tạo ra
trong chuồng nuôi không những ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe mà còn ảnh hưởng
đến khả năng tăng trọng và hệ số chuyển hóa thức ăn của gà. Do đó, để nâng cao
năng suất chăn nuôi, người chăn nuôi cần kiểm soát nồng độ NH3 thông qua quản
lý độ ẩm chất độn chuồng và độ thông thoáng của chuồng trại. Thực hiện tốt những
biện pháp này giúp giảm thiểu được NH3 tạo ra, giúp gà phát triển tốt và mang lại
hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi gà.
Hạnh Nguyễn- Chi cục
Chăn nuôi và Thú y