Ấn Độ vẫn hạn chế xuất khẩu, Bulog sẽ mua thêm 2 triệu tấn gạo
01/11/2023 - 12:30 | Giá cả, thông tin thị trường
Quyết
định nới lỏng xuất khẩu các loại gạo sẽ được xem xét vào năm tới
Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trong
thập kỷ qua với hơn 40% thị phần thương mại gạo toàn cầu.
Một quan chức cấp cao của Bộ Lương thực Ấn Độ cho
biết, chính phủ đang theo dõi việc thu hoạch lúa cho vụ kharif hiện tại và
quyết định nới lỏng xuất khẩu các loại gạo sẽ chỉ được xem xét vào năm tới.
Bên cạnh đó, Ấn Độ vừa quyết định xuất khẩu 1,34 triệu
tấn gạo non-basmati (gạo trắng thường) sang 7 nước châu Á và châu Phi, bao gồm:
Philippines, Malaysia, Cameroon, Bờ Biển Ngà và Nepal có khó khăn về an ninh
lương thực theo hợp đồng chính phủ (G2G), và cũng vừa xả kho đảo hàng để mua vụ
mới vào.
Khối lượng xuất khẩu gạo non-basmati được phê duyệt
sang các nước – Philippines (0,29 tấn), Cameroon (0,19 tấn), Malaysia (0,17
tấn), Bờ biển Ngà (0,14 tấn), cộng hòa Guinea (0,14 tấn), Nepal (95.000 tấn) và
Seychelles (800 tấn).
Philippines, một trong những nhà nhập khẩu gạo lớn
nhất thế giới và thường mua gạo từ nước láng giềng Việt Nam, vào tháng 7 đã
quan tâm đến nguồn cung gạo trắng từ Ấn Độ.
Tháng trước, Ấn Độ cũng đã phê duyệt xuất khẩu 75.000
tấn gạo non-basmati sang Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất thông qua NCEL.
Vào tháng 8, phê duyệt xuất khẩu 0,14 tấn gạo trắng sang Bhutan (79.000 tấn),
Singapore (50.000 tấn) và Mauritius (14.000 tấn).
Trước đó, ngày 20/7, Ấn Độ cấm vận chuyển gạo trắng để
tăng nguồn cung trong nước, song nước này vẫn tiếp tục xuất khẩu để đáp ứng nhu
cầu an ninh lương thực của các nước đang phát triển thông qua đàm phán hợp đồng
G2G. Ngày 13/10, Ấn Độ đã gia hạn thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ cho đến
ngày 31/3/2024.
Chính phủ Indonesia giao Bulog nhập khẩu
thêm 2 triệu tấn gạo vào năm 2024
Ngày 12/10, Giám đốc Chủ tịch Bulog Budi Waseso cho
biết, Chính phủ Indonesia đã chỉ đạo Cơ quan Hậu cần Nhà nước (Bulog) nhập khẩu
thêm 2 triệu tấn gạo vào năm 2024 để đảm bảo nguồn dự trữ gạo của đất nước.
“Chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất lúa
gạo địa phương cũng như điều kiện thời tiết. Chúng tôi không muốn mạo hiểm. Nếu
dự báo sản lượng lúa gạo bị thiếu, chúng tôi sẽ cung cấp đủ để bù đắp sự thiếu
hụt,” ông Budi nói.
Trước đó, Bulog cũng được giao nhiệm vụ nhập khẩu 1,5
triệu tấn gạo vào cuối năm 2023, đây là hạn ngạch bổ sung vượt mức 2 triệu tấn
được giao trước đó, như vậy tổng lượng gạo được giao nhập khẩu trong năm nay sẽ
đạt 3,5 triệu tấn.
Lãnh đạo Bulog, Awaludin Iqbal cho biết, chính phủ
thực sự đã trao cho Bulog hạn ngạch nhập khẩu bổ sung 1,5 triệu tấn. Tuy nhiên,
việc thực hiện nó sẽ được điều chỉnh theo nhu cầu phân phối hiện tại trong
nước.
Để nhập khẩu 1,5 triệu tấn, cơ quan của ông đã bắt đầu
đàm phán với một số nước có tiềm năng xuất khẩu gạo sang Indonesia, trong đó có
Thái Lan, Việt Nam và Pakistan.
Giá gạo trong nước đã tăng thêm 500 đồng/kg
Nhận định về diễn biến trên thị trường gạo, ông Nguyễn
Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại dịch vụ Phước Thành 4 cho
biết, lúa gạo là mặt hàng rất nhạy cảm với những thông tin như trên, và giá lúa
gạo trong nước chắc chắn sẽ bị tác động. Từ nay đến cuối năm, giá lúa gạo sẽ
khó giảm, trái lại còn tăng thêm nhưng tăng nhiều hay ít còn tùy tình hình thị
trường.
“Bulog nhập khẩu 2 triệu tấn gạo năm 2024, có thể Việt
Nam sẽ không bán nhiều, vì đây là phân khúc mà gạo Việt Nam không thể cạnh
tranh với các nước như Pakistan, Ấn Độ … do họ sản xuất nhiều hơn. Hiện diện
tích lúa IR 50404 làm gạo 5% tấm thường ở đồng bằng sông Cửu Long không nhiều
như trước nên nguồn cung rất hạn chế. Khi Ấn Độ chưa cấm xuất khẩu gạo thường,
để phục vụ nhu cầu trong nước Việt Nam cũng phải mua gạo của Ấn Độ khoảng
700.000-800.000 tấn/năm”, ông Thành nói.
Vẫn theo ông Thành không phải giá gạo bây giờ mới
tăng, nguyên nhân tăng giá chủ yếu do các hợp đồng cũ chưa giao còn nhiều, tàu
48.000 tấn đang vào cảng lấy hàng của Olam, họ đang thiếu hụt hàng nên phải đẩy
giá lên để tăng mua.
Ngày 16/10, có 4 đến 5 tàu Cuba thuê vào lấy hàng của
Tổng công ty Lương thực miền Bắc theo hợp đồng G2G, nên các kho đang tập trung
mua vào. Mặt khác, các tỉnh miền Trung và miền Bắc đã hết mùa vụ và các khu vực
này cũng đang tập trung mua gạo từ Đồng bằng sông Cửu Long là chính. Nhu cầu
nhiều mà nguồn cung gạo ở miền Tây rất hạn chế đẩy giá gạo tăng thêm.
Nay cộng hưởng tin tức từ Bulog nên giá gạo tăng thêm
ít nhất 500 đồng/kg, và từ đây tới cuối năm giá lúa gạo trong nước sẽ còn chịu
tác động do Ấn Độ gia hạn cấm xuất khẩu gạo non - basmati đến khoảng tháng
4/2024. Việc áp trần giá gạo của Philippines cũng chịu tác động không mong muốn
dẫn đến nguồn dự trữ trong nước bị thiếu hụt và nước này đang tăng mua.
Ngọc Hà (ST).