Xây dựng nông thôn mới thành nơi đáng sống
16/04/2025 - 15:22
Tổ chức trồng, chăm sóc các tuyến đường hoa, bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế... là những mô hình, hoạt động mà huyện Châu Đức đã và đang triển khai nhằm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu trên địa bàn, biến nông thôn thành nơi đáng sống.
Nông thôn an toàn, xanh sạch đẹp
Những ngày giữa tháng 4/2025, đi trên các tuyến đường NTM kiểu mẫu
ở thôn Vinh Sơn, xã Nghĩa Thành (huyện Châu Đức), chúng tôi ngỡ ngàng bởi sự
thông thoáng, sạch đẹp. Bà Trần Túy Phượng, Chi hội trưởng nông dân thôn Vinh
Sơn cho biết, tuyến đường hoa được UBND xã phát động triển khai từ tháng
4/2023, dài hơn 1km, với hơn 300 cây hoa hoàng yến được trồng. Hàng tuần, hội
viên nông dân phối hợp với các đoàn thể trong thôn dọn vệ sinh, nhổ cỏ, tưới
nước, bón phân, nhờ đó mà hàng hoa hoàng yến phát triển tốt, rực rỡ sắc vàng
như hôm nay.
Theo Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thành Trần Thị Hòe, sau 2 năm triển khai thực hiện khâu đột phá “50% các tuyến đường giao thông được trồng hoa” do UBND huyện Châu Đức phát động, toàn xã đã trồng hơn 60km đường hoa, với gần 10 ngàn cây hoa hoàng yến, hoa tường vi.
“Việc xây dựng tuyến đường hoa không chỉ giúp cảnh quan môi trường
sạch đẹp mà còn nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường, góp phần
giữ vững các tiêu chí NTM kiểu mẫu trên địa bàn”, bà Hòe cho biết thêm.
Xác định vai trò quan trọng của hội viên trong xây dựng NTM, Hội
Nông dân huyện đã phát động phong trào “Nông dân chung sức xây dựng nông thôn
mới, đô thị văn minh” đến từng chi hội cơ sở. Qua đó, vận động cán bộ, hội viên
tham gia đóng góp công sức, hiến đất mở rộng đường, lắp đèn chiếu sáng, nâng
cấp các công trình hạ tầng nông thôn.
Từ năm 2024 đến nay, các cấp hội đã vận động hội viên tự nguyện
hiến 77.312m2 đất, đóng góp 434 ngày công lao động để làm mới 49km và sửa chữa
15km đường giao thông nông thôn; sửa chữa, kiên cố 16km kênh mương; làm mới và
sửa chữa 24 cầu cống; đồng thời nhân rộng mô hình đường hoa trên địa bàn, thu
gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật qua sử dụng…
Đời sống người dân ngày càng nâng cao
Xã Suối Nghệ có diện tích đồi và đất sản xuất nông nghiệp khá lớn.
Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc. Tận dụng lợi thế
này, thông qua các nguồn vận động, Hội Nông dân huyện đã hỗ trợ nhiều hộ hội
viên xã Suối Nghệ phát triển mô hình nuôi dê để phát triển kinh tế.
Trước đây, gia đình bà Trần Thị Sương, thôn Trung Sơn, xã Suối
Nghệ thuộc diện hộ nghèo. Để giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, đầu năm
2023, Hội Nông dân huyện đã trao tặng 2 con dê giống đang trong thời kỳ chuẩn
bị sinh sản. Nhờ thực hiện đúng quy trình chăn nuôi nên đàn dê của gia đình bà
Sương tăng dần theo từng năm. Hiện trong chuồng luôn duy trì 20 con, trong đó
có 5 con dê sinh sản. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2025 đến nay, gia đình bà Sương
bán hơn chục con dê thịt, thu về gần 50 triệu đồng.
Phó Chủ tịch UBND xã Suối Nghệ Trần Bá Hội cho biết, chăn nuôi dê đã và đang mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân. Nhờ đó, địa phương đã hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM kiểu mẫu năm 2024.
Tính đến nay, huyện Châu Đức có 13/14 xã được công nhận xã NTM nâng cao, trong đó 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Để nâng cao thu nhập cho nông dân, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với DN triển khai các mô hình trồng nha đam, đu đủ, bí đỏ, bắp sinh khối… với diện tích sản xuất hàng trăm ha; vận động hỗ trợ dê giống, bò giống cho 60 hộ hội viên, với số tiền 650 triệu đồng. Các cấp hội cũng vận động 13.512 hội viên tham gia BHYT tự nguyện, đạt tỷ lệ 98,73% tổng số hội viên toàn huyện. Thu nhập bình quân đầu người tại các xã xây dựng NTM đạt từ 85 triệu đồng/năm trở lên. |
Huyện Châu Đức có tổng đàn dê khoảng 100 ngàn con. Thời gian qua,
dê là mô hình chăn nuôi có lợi nhuận tốt cho nông dân. Trong bối cảnh giá thức
ăn tăng cao, việc tận dụng các loại lá cây có sẵn trong vườn như mít, bắp, cỏ…
để thay thế là những lựa chọn phù hợp để giảm chi phí trong chăn nuôi. Khi thị
trường tiêu thụ tốt, 1kg dê hơi có giá từ 110-140 ngàn đồng. Sau khi trừ các
khoản chi phí, nông dân có thể thu lợi nhuận hơn 3 triệu đồng mỗi con dê thương
phẩm.
“Để tăng số lượng đàn dê, đàn bò, thời gian tới, Hội Nông dân tiếp
tục đề xuất, tham mưu Hội Nông dân tỉnh, UBND huyện hỗ trợ con giống; phối hợp
với các sở ngành tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ khoa
học, kỹ thuật vào chăn nuôi và tạo điều kiện tốt nhất để các hộ được tiếp cận
nguồn vốn vay ưu đãi mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập ”, ông Thân
Xuân Động, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức, cho hay.
(nguồn báo Bà Rịa – Vũng Tàu)