Quy định bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng công trình trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
10/02/2025 - 09:08
UBND tỉnh vừa ban hành Quy định bảo đảm yêu cầu
phòng, chống thiên tai đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng công trình
trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Theo Quy định, công tác phòng, chống thiên tai
trong quản lý, vận hành và sử dụng các khu vực khai thác khoáng sản và các khu
vực khai thác tài nguyên thiên nhiên khác yêu cầu phải đảm bảo thực hiện theo
các khoản 1, 2, 4, 6, 8, 11, 12, và điểm c khoản 9 Điều 5 Thông tư số 13/2021/TT-BNNPTNT ngày 27/10/2021 của Bộ
trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thường xuyên theo dõi, giám sát
an toàn công trình, hạng mục công trình; các khu vực chịu tác động khi vận hành
công trình, hạng mục công trình; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin diễn
biến thiên tai ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình, hạng mục công trình,
chú trọng các khu vực trọng điểm xung yếu và các khu vực có nguy cơ cao gia
tăng rủi ro thiên tai khi vận hành công trình; duy tu bão dưỡng bảo đảm khả
năng làm việc của công trình, hạng mục công trình; theo dõi, kiểm tra việc xây
dựng, mở rộng, sửa chữa, gia cố, nâng cấp các hạng mục cơ sở hạ tầng đảm bảo
các yêu cầu, tiêu chuẩn về thiết kế, thi công công trình phòng, chống thiên
tai; kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ và đột xuất về hiện trạng mức độ
an toàn công trình, hạng mục công trình, đặc biệt đối với các công trình khu
vực thường xuyên chịu tác động của mưa, lũ, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, khu
vực đông dân cư để nắm bắt kịp thời hiện trạng công trình, hạng mục công
trình.
Khi có cảnh báo thiên tai phải kiểm tra, đánh
giá hiện trạng an toàn công trình; thực hiện các biện pháp chủ động phòng,
chống và xử lý kịp thời các hư hỏng để bảo đảm an toàn công trình, hạng mục
công trình trước thiên tai. Kết thúc đợt thiên tai phải thực hiện kiểm
tra, đánh giá hiện trạng công trình, hạng mục công trình nhằm phát hiện các hư
hỏng (nếu có); đề xuất biện pháp và kế hoạch sửa chữa, khắc phục.
Bên cạnh đó, phải xây dựng phương án giằng néo
kèo cột, che chắn và chống tốc mái cho nhà xưởng, nhà làm việc, nhà ở cho công
nhân nội trú (nếu có), kho tàng, đặc biệt là các kho chứa thành phẩm, bán thành
phẩm; Khơi thông, duy tu sửa chữa, nâng cấp hệ thống thoát nước nội bộ khu vực
khai thác tránh xảy ra ngập cục bộ; Duy trì hoạt động bình thường của các
phương tiện, trang thiết bị, nguồn điện dự phòng để chủ động trong các tình
huống bất khả kháng do thiên tai gây ra. Lập rào, chắn xung quanh khu vực moong
khai thác (đặc biệt là khu vực đã tạo thành hố chứa nước) theo Phương án cải tạo,
phục hồi môi trường đã được phê duyệt; Cắm các biển cảnh báo nguy hiểm, bố trí
lực lượng bảo vệ thường xuyên kiểm tra không để người dân, gia súc vào khu vực
mỏ (nghiêm cấm việc tắm, bơi lội tại hố chứa nước…); Thường xuyên kiểm soát khu
vực khai thác khoáng sản và các khu vực khác có liên quan (bãi thải, hồ lắng,
hồ chứa chất thải). Trong quá trình thực hiện phải có biện pháp bảo đảm an
toàn lao động, vệ sinh môi trường trong khai thác mỏ, trường hợp có dấu hiệu
không bảo đảm an toàn, sạt, trượt, lở đất, đá phải dừng ngay hoạt động khai
thác, đồng thời có biện pháp khắc phục kịp thời và báo cáo ngay cho cơ quan nhà
nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định, trường hợp xảy ra mất an toàn tổ
chức, cá nhân phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, cần kiểm tra các điều kiện khai thác,
bảo đảm an toàn theo đúng thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt. Kiểm tra, rà
soát hiện trạng mức độ an toàn tại các khu vực khai thác, bãi thải, hồ lắng, hồ
chứa chất thải (kể cả khi các khu vực này đã dừng hoạt động); Thực hiện các
giải pháp để đưa về trạng thái an toàn theo quy định; Đánh giá mức độ an toàn
của đê, đập, bờ bao hồ chứa bùn thải, hồ lắng, bãi thải, bờ moong; rà soát, bổ
sung hồ sơ thiết kế, khả năng chịu tải của đê, đập, bờ bao (có tính đến sự tác
động của mưa lũ, dòng chảy); Xử lý khắc phục ngay các hiện tượng sụt, lún, nứt,
thấm, sạt lở đê, đập, bờ bao, bờ moong; khai thác theo đúng nội dung giấy phép,
dự án đầu tư, thiết kế mỏ đã được phê duyệt; đồng thời lắp đặt các thiết bị
giám sát khai thác tài nguyên nước theo quy định tại Thông tư số
17/2021/TT-BTNMT ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy
định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Đối với công tác phòng, chống thiên tai trong
quản lý, vận hành và sử dụng khu đô thị, điểm dân cư nông thôn, cần bảo
đảm thực hiện theo các khoản 1, 2, 4, 6, 8, 11, 12, và điểm c khoản 9 Điều 5
Thông tư số 13/2021/TT-BNNPTNT ngày 27/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn; tổ chức hướng dẫn, thông báo và yêu cầu người dân,
chủ sở hữu thực hiện kiểm tra, gia cố, giằng chống bảo đảm an toàn nhà ở trước
mùa mưa bão theo Điều 7, Điều 8 của Quyết định số 01/2022/QĐ-UBND ngày
12/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định các tiêu chí bảo đảm yêu cầu về
phòng, chống thiên tai đối với công trình, nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình,
cá nhân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Điều 1 của Quyết định số
08/2023/QĐ-UBND ngày 23/02/ 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Sửa đổi, bổ
sung một số điều của Quyết định số 01/2022/QĐ-UBND ngày 12/01/2022 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Quy định các tiêu chí bảo đảm yêu cầu về phòng, chống thiên tai
đối với công trình, nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn
tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; xây dựng phương án bảo đảm tiêu thoát nước, chống ngập
úng khi có mưa, lũ; thường xuyên rà soát, kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước; tổ
chức tháo dỡ các công trình tạm, vật cản, vận hành các cống kiểm soát triều
cường, nạo vét các kênh, rạch, cống thoát nước của khu vực đô thị, điểm dân cư
nông thôn nhằm bảo đảm việc thoát lũ, chống ngập úng khi có mưa, lũ; kiểm soát
và triển khai quy trình cắt tỉa cây xanh đô thị bảo đảm an toàn cho người dân
trong mùa mưa bão; bảo đảm an toàn điện, cung cấp nước sạch cho người dân tại
các vùng bị ngập úng.
Riêng các điểm dân cư nông thôn thuộc vùng
thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai phải rà soát, bố trí các điểm sơ tán
dân khẩn cấp, sử dụng các công trình công cộng làm nơi tránh bão; có phương án
dự trữ nước sạch, chuẩn bị, bố trí phương tiện vận chuyển nước sạch để kịp thời
cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân khi hạn hán xảy ra.
Về công tác phòng, chống thiên tai trong quản
lý, vận hành và sử dụng điểm du lịch, khu du lịch, khu di tích lịch sử cần theo
dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết để chủ động phòng, tránh, hướng dẫn
cần thiết, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người lao động cũng như khách du lịch
vào tham quan, đồng thời chủ động ngừng phục vụ khách du lịch trước, trong thời
gian xảy ra mưa to, bão, lũ; kiểm tra, rà soát thực trạng toàn bộ cơ sở vật
chất, có các biện pháp gia cố, giằng chống, chủ động bố trí nhân lực, phương
tiện, chuẩn bị trang thiết bị và nhu yếu phẩm cần thiết để bảo đảm an toàn
tuyệt đối cho du khách. Đối với các điểm du lịch, khu du lịch, khu di tích
lịch sử tại các vùng trũng thấp, ven sông phải chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ
tán, di dời, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho du khách và người lao động cũng như
tài sản, cơ sở vật chất trước khi có gió mạnh, mưa lớn hoặc ngập lụt; đồng thời
thông báo đến các điểm du lịch, khu du lịch và khách du lịch tuyệt đối không
được tắm biển, tham gia các trò chơi dưới nước, trò chơi ngoài trời khi có gió
mạnh, mưa lớn hoặc ngập lụt.
Trong công tác phòng, chống thiên tai trong quản
lý, vận hành và sử dụng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, UBND tỉnh yêu cầu bảo
đảm an toàn cho công trình, thiết bị phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường đối
với hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu, cụm công nghiệp theo Điều 51,
Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội; tổ chức
kiểm tra hệ thống điện, thông tin liên lạc; triển khai các biện pháp bảo đảm an
toàn khi cảnh báo thiên tai và tổ chức trực ban tiếp nhận thông tin chỉ huy,
điều hành và xử lý giờ đầu các tình huống, sự cố do thiên tai gây ra để kịp
thời sơ tán người lao động, di chuyển phương tiện, tài sản theo phương án khi
có lệnh.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị bảo
đảm thực hiện công tác phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành và sử
dụng công trình phòng, chống thiên tai thuộc lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn; lĩnh vực giao thông; lĩnh vực điện lực, viễn thông và công
trình hạ tầng kỹ thuật khác theo đúng quy định.
Hằng năm, các cơ quan quản lý chuyên ngành, Ủy
ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm lập kế hoạch kiểm tra và tổ chức
thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm yêu cầu
phòng, chống thiên tai đối với việc quản lý, vận hành và sử dụng các khu khai
thác khoáng sản, khai thác tài nguyên thiên nhiên khác, đô thị, du lịch, công
nghiệp, di tích lịch sử; điểm du lịch; điểm dân cư nông thôn; công trình phòng,
chống thiên tai, giao thông, điện lực, viễn thông và hạ tầng kỹ thuật khác của
các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc phạm vi quản lý.
Nguyễn Bình (Nguồn: Quyết định số 38/2024/QĐ-UBND)