Thông báo: EU lần đầu quy định dư lượng asen vô cơ trong cá, sản phẩm thủy sản
27/03/2025 - 15:20
Quy định mới dự kiến
sẽ áp dụng trong tháng 7/2025, đòi hỏi doanh nghiệp, ngành hàng và cơ quan quản
lý chủ động nghiên cứu và góp ý.
Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, Cơ quan An
toàn thực phẩm Liên minh châu Âu (EU) đang dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy định
(EU) số 2023/915 thiết lập mức dư lượng tối đa (MRLs) asen vô cơ trong cá và
một số loại thủy sản khác, ở mức từ 0,05 - 1,5 ppm.
Quy định mới dự kiến ban hành trong tháng
7/2025 và có hiệu lực trong cùng tháng này.
Trước
thông báo này, EU không thiết lập mức giới hạn cụ thể cho hàm lượng asen vô cơ
trong cá và các sản phẩm thủy sản. Thay vào đó, thị trường này tập trung vào
việc kiểm soát các kim loại nặng khác như Cadimi hay thủy ngân. Những nội dung
chính được EU thi hành tại Quy định (EU) 1881/2006 và các sửa đổi liên quan.
Để xác định hàm lượng asen vô cơ trong thực
phẩm nói chung, Việt Nam đã ban hành TCVN 12346:2018. Tiêu chuẩn này hướng dẫn
phương pháp xác định asen vô cơ chủ yếu trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật
và một số động vật biển (không bao gồm cá).
Asen thường tồn tạn tồn tại trong cá và các
sinh vật biển, gồm 2 dạng chính: Asen vô cơ gồm các hợp chất như asen
trioxide (As₂O₃), asenat (As⁵⁺) và asenit (As³⁺).
Đây là dạng độc hại, có thể gây ung thư và ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gan,
thận.
Ngược lại, asen hữu cơ gồm các hợp chất
như arsenobetain và arsenocholin, thường có trong
hải sản và ít độc đối với con người.
Hầu hết cá và thủy sản chứa asen ở dạng asen
hữu cơ, ít độc. Tuy nhiên, một số loài cá và thủy sản có thể chứa một lượng nhỏ
asen vô cơ. Nguyên nhân là do: asen có sẵn ở vùng nước ngầm, rồi đi vào hệ sinh
thái thủy sinh; cá hấp thụ asen qua thức ăn, nước và trầm tích dưới đáy sông,
hồ, biển.
Ngoài ra, cá và thủy sản có thể nhiễm asen do
ô nhiễm môi trường, bắt nguồn từ các ngành khai khoáng, luyện kim, sản xuất
thuốc trừ sâu, thuốc nhuộm, dệt may… xả thải asen vào nguồn nước; hoặc phân
bón, thuốc BVTV chứa asen chảy xuống sông, hồ; hoặc do nước thải sinh hoạt chưa
qua xử lý.
“Việc EU kiểm soát asen vô cơ trong cá và một
số loại thủy sản nhập khẩu đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động kiểm soát tốt sản
phẩm, theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam.
Lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam cũng cho biết
thêm, EU quy định rất chi tiết về dư lượng asen vô cơ trong dự thảo. Chẳng hạn,
mức dư lượng tối đa được áp dụng cho trọng lượng ướt của sản phẩm. Trong trường
hợp, cá được xuất khẩu nguyên con, mức dư lượng tối đa sẽ tính cho toàn bộ con cá.
Ngoài cá, EU cũng áp dụng quy định về MRLs cho
asen vô cơ đối với một số loài động vật giáp xác như cua, hoặc động vật thân
mềm 2 mảnh vỏ như sò điệp.
“Chúng tôi đề nghị các cơ quan liên quan
nghiên cứu, góp ý và thông báo cho các tổ chức, cá nhân liên quan biết vấn đề
này”, ông Nam chia sẻ và nhấn mạnh, mọi thông tin góp ý về dự thảo cần gửi về
Văn phòng SPS Việt Nam trước ngày 28/4 để tổng hợp gửi EU.
Song
Nhi