Xuất khẩu rau quả Việt Nam giảm do Trung Quốc tiếp tục áp dụng chính sách "Zero Covid"

10/06/2022 - 15:04 | Giá cả, thông tin thị trường

Trong khi xuất khẩu nhiều loại nông, thủy sản đang tăng trưởng mạnh, thì giá trị xuất khẩu hàng rau quả 5 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 1,47 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng tháng 5/2022, xuất khẩu rau quả ước đạt 300 triệu USD, giảm 11% so với tháng 5/2021…

Ngày 8/6/2022, Tổ Điều hành Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn trực tuyến với chủ đề “Tăng cường các giải pháp phát triển bền vững sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây chủ lực phía Nam”.

KHÓ KHĂN Ở THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết sản lượng cây ăn quả chính phía Nam năm 2022 ước đạt hơn 7,3 triệu tấn. Trong đó, 6 tháng đầu năm ước đạt 3,3 triệu tấn, 6 tháng cuối năm ước đạt 4,1 triệu tấn.

             Theo ông Tùng, tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước gần 23,2 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính tăng 10,4%; lâm sản chính tăng 7,6%; thủy sản tăng 46,3%... Thế nhưng, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm ước đạt 1,47 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2021.

"Đến thời điểm này đã có 4.000 mã số vùng trồng (300.000 ha) đượcc ấp tại 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cho 12 loại quả tươi như: chuối, thanh long, mít, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, dưa hấu, măng cụt, chanh leo,… Trong đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được cấp 1.561 mã (chiếm tỷ lệ 39,02%), Đông Nam Bộ có 224 mã (chiếm 5,6%), Tây nguyên 168 mã (tỷ lệ 4,2%)".

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt.

Về mã số cơ sở đóng gói, ông Lê Thanh Tùng cho hay hiện đã cấp 1.864 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi  tại 37 tỉnh, thành phố được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản…  

Nói về khó khăn trong công tác tiêu thụ, theo ông Tùng, tình hình kiểm soát chặt dịch Covid-19 của Trung Quốc ảnh hưởng đến xuất khẩu. Yêu cầu chất lượng, truy xuất nguồn gốc của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt thị trường Trung Quốc tăng biện pháp kiểm dịch bệnh, có thể làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ tại cửa khẩu, ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước.

Lý giải kim ngạch xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm 2022 giảm mạnh, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, cho biết do thị phần tại Trung Quốc giảm sâu. Đặc biệt, xuất khẩu 4 tháng đầu năm sang thị trường Trung Quốc đạt 625 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ. Ông Nguyên hy vọng Trung Quốc sẽ gỡ bỏ chính sách Zero Covid trong thời gian từ cuối năm nay đến đầu năm sau.

Trong bức tranh không mấy sáng sủa khi xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc, ông Nguyên cho hay, thời gian qua các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đều có dấu hiệu giảm, riêng mặt hàng chuối đã biểu hiện bước phát triển vượt bậc. Trong 5 tháng 2022, Trung Quốc nhập khẩu 742 nghìn tấn chuối, tăng 10% so với cùng kỳ, trong đó chuối Việt Nam chiếm 43%, vượt qua Phillipines với 28%.

Ông Đặng Phúc Nguyên nhận định, trong thời gian tới Trung Quốc sẽ gia tăng nhập khẩu chuối Việt Nam. Diện tích trồng chuối của Trung Quốc đã giảm do chi phí vật tư đầu vào, chi phí thuê đất và chi phí lao động tăng, đẫn đến sự gia tăng về thị phần nhập khẩu.




HỢP QUẦN CÁC LỰC LƯỢNG ĐỂ GIẢM CHI PHÍ, TẠO THƯƠNG HIỆU

Đề cập công tác mở rộng thị trường, Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết hiện nay Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ 6 loại quả gồm thanh long, xoài, vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa. Hai bên dang trong quá trình đàm phán bước cuối mở cửa xuất khẩu mặt hàng bưởi thông qua ghi nhận ý kiến về nhu cầu người tiêu dùng tại Mỹ.  

Trung Quốc đã đồng ý cho Việt Nam xuất khẩu chanh leo. Quả sầu riêng cũng đang đàm phán ở giai đoạn cuối. Hai bên đang hoàn thiện Nghị định thư quy định xuất khẩu về vùng trồng, mã số nhà phân phối và quản lý dịch hại.

Đối với thị trường Nhật Bản, Việt Nam đã xuất khẩu 3 loại quả tươi. Thanh long và xoài đã được xuất khẩu bằng phương pháp xử lý hơi nước nóng. Phía Nhật cũng đã cho phép xuất khẩu vải vào năm ngoái. Hiện nay Cục Bảo vệ thực vật đang đàm phán với Bộ Nông nghiệp Nhật Bản xuất khẩu nhãn bằng phương pháp xử lý lạnh, đang trong giai đoạn thí nghiệm cuối cùng. Biện pháp này sẽ là tiền đề để xuất khẩu các loại quả khác sang Nhật Bản.

Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu chia sẻ: Qua các hội chợ quốc tế, một điểm mà các doanh nghiệp Việt Nam nên học hỏi ở bạn bè các nước là tính tuân thủ, bảo vệ thương hiệu nông sản Quốc gia.

“Doanh nghiệp cần xây dựng được những đội, nhóm, đi đến từng vườn để kiểm tra chất lượng, tính toán được các chỉ số để cho ra sản phẩm có độ đồng đều, chất lượng cao nhất”, bà Vy khuyến cáo.

Theo bà Tường Vy, thị trường Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều, nếu các địa phương không lan tỏa đến nông dân, thay đổi thói quen, tập quán canh tác lạc hậu sẽ khó khăn cho công tác tiêu thụ. Do đó, tất cả các đơn vị tham gia chuỗi liên kết từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nông dân đều phải chủ động thay đổi, tích cực vào cuộc thì mới có thể thành công.

Theo ông Lương Phước Vinh, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Tentamus, thị trường ở châu Âu rất tiềm năng, không thua kém thị trường Trung Quốc nếu sản phẩm của Việt Nam có thể đáp ứng. “Tiêu chuẩn mà các thị trường này đưa ra cũng không quá gắt gao. Điều quan trọng là chúng ta cần hiểu được bản chất và yêu cầu của thị trường, các đối tác châu Âu sẽ sẵn sàng hỗ trợ chúng ta”, đại diện Tập đoàn Tentamus chia sẻ.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group nêu vấn đề: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đi tìm vùng nguyên liệu được cấp mã số vùng trồng để thu mua gặp rất nhiều khó khăn, dễ trùng lặp, vướng mắc với các đơn vị, doanh nghiệp khác.

"Một doanh nghiệp không thể tự mình đi tới tất cả các địa phương để làm mã số vùng trồng. Do đó, đề nghị các địa phương nên chủ động xây dựng những vùng trồng được cấp mã số, khi những doanh nghiệp có nhu cầu, đăng ký, địa phương cung cấp, sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”,

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T. 

“Bên cạnh đó, việc cấp chứng nhận mã số vùng trồng theo từng năm sẽ khó khăn cho doanh nghiệp khi phải liên tục xin cấp lại chứng nhận, điều này vô hình chung sẽ làm cho công tác xuất khẩu, bàn giao đơn hàng cho đối tác quốc tế bị chậm trễ", ông Nguyễn Đình Tùng nói.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đề nghị các doanh nghiệp và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương cần giải quyết một số điểm.

 Một là, tăng cường các liên kết sản xuất, đặc biệt là những chính sách hỗ trợ HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây là những đối tượng thường khó đi một mình, và gặp nhiều rào cản khi đưa nông sản vào các kênh tiêu thụ.

Hai là, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, HTX, người dân xác định rõ, sát thực tế về cơ cấu giá thành sản xuất nông sản.

Ba là, đẩy mạnh xây dựng các trung tâm logistics, bảo quản ở khu vực cửa khẩu, vùng nguyên liệu lớn. “Ngay trong ngày mai, một đoàn công tác do Chính phủ cử sẽ thị sát Trung tâm giao dịch nông, lâm, thủy sản châu Á - Thái Bình Dương tại lối mở Km3+4 Hải Yên, Móng Cái, Quảng Ninh. Đây là trung tâm lớn, có ý nghĩa chiến lược với xuất khẩu nông sản, và có lượng hàng hóa thông qua dự kiến khoảng 3 triệu tấn/năm”, ông Toản thông tin.

Bốn là, hợp quần các lực lượng trong HTX để giảm chi phí vật tư đầu vào như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, xăng dầu.

Năm là, đề nghị Hiệp hội Rau quả Việt Nam giữ liên hệ, và thường xuyên trao đổi với Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm giải quyết cụ thể các vấn đề liên quan đến dự trữ nông sản, phục vụ trực tiếp cho thị trường, HTX, doanh nghiệp.

Kim Khánh (Nguồn cục Chế biến và PTTT NS)