Trình tự cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển đối với nhà đầu tư nước ngoài

19/04/2024 - 08:26 | Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Ngày 04/4/2024 Chính phủ ban hành Nghị định 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26/2019/NĐ-CP; trong đó quy định chi tiết việc cấp Giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, khoản 16 Điều 1 Nghị định 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 38 Nghị định 26/2019/NĐ-CP như sau: Cơ quan có thẩm quyền cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hồ sơ cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển bao gồm: Đơn đăng ký theo Mẫu 29.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 26; Bản thuyết minh dự án nuôi trồng thủy sản theo Mẫu 30.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 26; Báo cáo đánh giá tác động môi trường nuôi trồng thủy sản hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền thẩm định theo quy định; Sơ đồ khu vực biển kèm theo tọa độ các điểm góc của khu vực biển đề nghị giao.

Trình tự cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển: Tổ chức/cá nhân có nhu cầu cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển gửi hồ sơ đến Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định hồ sơ; tổ chức khảo sát thực tế tại khu vực biển (trường hợp cần thiết); tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy ý kiến của địa phương nơi có khu vực biển, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cơ quan được lấy ý kiến trả lời trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến, sau thời hạn trên không trả lời được coi là đồng ý với nội dung lấy ý kiến.

Trường hợp tất cả cơ quan được lấy ý kiến đồng ý, trong thời hạn 05 ngày làm việc Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển theo Mẫu số 31.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 37.

Trường hợp có ít nhất 01 ý kiến không đồng ý về việc cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời hạn 07 ngày làm việc sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển theo Mẫu số 31.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 37. Trường hợp không cấp phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Cấp lại/gia hạn Giấy phép: Giấy phép được cấp lại trong trường hợp Giấy phép bị mất, bị hỏng, có sự thay đổi, bổ sung thông tin về tổ chức/cá nhân; được xem xét gia hạn trong trường hợp Giấy phép còn hạn ít nhất 60 ngày.

Hồ sơ cấp lại/gia hạn Giấy phép bao gồm: Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép theo Mẫu số 29.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 37; Báo cáo Kết quả sản xuất theo Mẫu số 30A.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 37; Báo cáo kết quả bảo vệ môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định theo quy định;  Bản sao chứng thực Quyết định giao khu vực biển, Giấy phép nuôi trồng thuỷ sản trên biển (đối với trường hợp gia hạn Giấy phép); Bản sao văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thể hiện nội dung thay đổi, bổ sung thông tin của tổ chức/cá nhân (đối với trường hợp cấp lại Giấy phép).

Trình tự thực hiện cấp lại/gia hạn Giấy phép: Tổ chức/cá nhân gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 38 Nghị định 26/2019/NĐ-CP được sửa đổi tại khoản 16 Điều 1 Nghị định 37/2024/NĐ-CP.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp lại/gia hạn Giấy phép, cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp lại/gia hạn Giấy phép. Trường hợp không cấp lại/gia hạn phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Thời hạn Giấy phép nuôi trồng thủy sản: Không quá thời hạn được quy định tại khoản 4 Điều 44 Luật Thủy sản 2017. Trường hợp Giấy phép hết hạn, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản được xem xét gia hạn một lần hoặc nhiều lần nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm.

Thu hồi Giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thẩm quyền thu hồi và ban hành Quyết định thu hồi Giấy phép khi Giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau: Giấy phép bị tẩy, xóa, làm thay đổi nội dung; không thực hiện đúng các nội dung đã quy định trong Giấy phép.

Trường hợp chuyển nhượng giá trị quyền sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thuỷ sản: Tổ chức/cá nhân thuê, nhận góp vốn quyền sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nghĩa vụ trong hoạt động nuôi trồng thủy sản và sử dụng khu vực biển.

Trường hợp tổ chức/cá nhân nhận chuyển nhượng tiếp tục thực hiện dự án nuôi trồng thủy sản của tổ chức/cá nhân chuyển nhượng phải thực hiện thay đổi thông tin trong Giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển theo quy định tại khoản 4 Điều 38 Nghị định 26/2019/NĐ-CP  sửa đổi tại khoản 16 Điều 1 Nghị định 37/2024/NĐ-CP.

Trường hợp tổ chức/cá nhân nhận chuyển nhượng không tiếp tục thực hiện dự án nuôi trồng thủy sản của tổ chức/cá nhân chuyển nhượng phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển theo khoản 2 và khoản 3 Điều 38 Nghị định 26/2019/NĐ-CP sửa đổi tại khoản 16 Điều 1 Nghị định 37/2024/NĐ-CP.

Lưu ý: Tổ chức/cá nhân Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nuôi trồng thuỷ sản trên biển trước khi Nghị định 37 có hiệu lực thi hành thì phải thực hiện cấp phép theo quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Nghị định 37 có hiệu lực thi hành (ngày 19 tháng 5 năm 2024).

Thúy Nga