Triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022

19/01/2022 - 08:09 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Để chủ động phòng chống dịch bệnh động vật, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt đối với dịch Covid - 19 góp phần ổn định sản xuất, đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm, tránh thiếu hàng và sốt giá trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022; theo chỉ đạo, Chi cục Chăn nuôi và Thú y xây dựng Kế hoạch thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

                Mục tiêu của kế hoạch nhằm để chủ động phát hiện, ngăn chặn và phòng, chống hiệu quả dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đảm bảo an toàn dịch bệnh, ổn định sản xuất, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và bảo vệ môi trường sinh thái. Nâng cao nhận thức của người dân về tác hại và biện pháp phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm; ý thức chấp hành các quy định về phòng chống dịch bệnh để người dân chủ động thực hiện. Đảm bảo phần lớn lượng thịt gia súc, gia cầm cung cấp cho người tiêu dùng có nguồn gốc từ các cơ sở giết mổ, chế biến tập trung đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường

                4 nội dung chủ yếu của kế hoạch, gồm:

+ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, quy định nhà nước về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn bằng nhiều hình thức truyền tải khác nhau, giúp cho người dân chủ động thực hiện tốt các yêu cầu về tái lập đàn, chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh trong giai đoạn chuyển mùa hiện nay.


Tổng đàn vật nuôi và khả năng cung cấp các sản phẩm chăn nuôi cho nhu cầu của người dân tại tỉnh:

Tổng đàn: heo: 415.547 con, gà: 4.371.000 con, vịt, ngan: 2.677.000 con, bò trâu hướng thịt: 59.663 con, bò sữa: 168 con, dê: 146.416 con, 427 cơ sở dẫn dụ nuôi chim yến và 368 đàn ong.

Khả năng cung cấp sản phẩm chăn nuôi chính (tính chung trong 01 tháng tết Nguyên đán, gồm 20 ngày trước tết và 10 ngày sau tết): Thịt heo hơi: 7.210 tấn, trong đó nhu cầu sử dụng của tỉnh khoảng 5.200 tấn. Thịt bò hơi: 1.050 tấn, trong đó nhu cầu sử dụng của tỉnh khoảng 900 tấn. Thịt gà: 2.650 tấn, trong đó nhu cầu sử dụng của tỉnh khoảng 2.600 tấn. Thịt dê cừu: 265 tấn, trong đó nhu cầu sử dụng của tỉnh khoảng 190 tấn. Trứng gia cầm: 25 triệu quả, trong đó nhu cầu sử dụng của tỉnh khoảng 22 triệu quả.

Đánh giá khả năng cung cầu: Hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong tỉnh và cung cấp ra ngoài tỉnh khoảng 47,5%/tổng sản lượng trong dịp tết Nguyên Đán. Tuy nhiên do thị trường mở nên có thể xảy ra thiếu cục bộ nếu như các tỉnh trong vùng hoặc cả nước thiếu hụt nguồn cung.

+ Tổ chức đường dây nóng từ tỉnh - huyện - xã để tiếp nhận và xử lý các thông tin về chăn nuôi, dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, thông tin báo cáo, điều tra, xác minh kịp thời khi có ổ dịch xảy ra; kịp thời xử lý khi phát hiện gia súc, gia cầm mắc bệnh. Chỉ đạo cán bộ thú y làm nhiệm vụ kiểm dịch, kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung tăng cường thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, xử lý triệt để theo đúng quy định khi phát hiện động vật có dấu hiệu mắc bệnh.

+ Phối hợp các địa phương triển khai tốt công tác tổng vệ sinh tiêu độc sát trùng phòng chống dịch bệnh trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần (02 tuần trước tết và 02 tuần sau tết). Cấp thuốc sát trùng cho các trang trại chăn nuôi tư nhân chủ động thực hiện sát trùng phòng chống dịch. Chỉ đạo nhân viên thú y cấp xã rà soát, thực hiện tiêm phòng bổ sung cho số động vật mới phát sinh hoặc đã hết thời gian bảo hộ, đặc biệt là đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Cúm gia cầm, Lở mồm long móng gia súc, Viêm da nổi cục ở trâu bò. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất dự phòng nhằm xử lý kịp thời các ổ dịch xảy ra. Thực hiện chế độ giám sát dịch bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi kiểm tra, phát hiện và chủ động khai báo khi có dịch để được hỗ trợ xử lý kịp thời.

+ Tăng cường quản lý thực hiện tốt công tác kiểm dịch vận chuyển, tổ chức kiểm dịch tận gốc đối với động vật và sản phẩm động vật. Phối hợp với các tỉnh thành để thông tin về kiểm dịch vận chuyển động vật, không nhập gia súc, gia cầm ở những nơi đang có dịch. Tăng cường hoạt động tại các trạm Kiểm dịch động vật, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra - vào địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các Kiểm dịch viên chủ động thực hiện nhanh chóng thủ tục kiểm dịch xuất tỉnh, tạo điều kiện cho các cơ sở chăn nuôi xuất bán sản phẩm. Tổ chức thực hiện Kiểm tra hoạt động giết mổ, buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền, hướng dẫn các quy định về giết mổ, kiểm dịch vận chuyển động vật đến người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng. Phát hiện, ngăn chặn kịp thời tình trạng giết mổ, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không tuân thủ theo quy định. Xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ động vật, vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch và không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y.

Đức Minh - Xuân Sáng