“Tín hiệu vui” cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Anh

15/08/2023 - 14:53 | Giá cả, thông tin thị trường

Nhiều chuyên gia cho rằng, Anh là thị trường tiềm năng của xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong giai đoạn tới. Các sản phẩm thủy sản của Việt Nam để đáp ứng và chinh phục được các yêu cầu của thị trường này, cần quan tâm hơn đến chất lượng, mẫu mã, hình thức và khẩu vị.

Tăng trưởng mạnh trong tháng 6/2023

Tháng 6/2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Anh tăng mạnh trở lại sau khi giảm trong tháng 5/2023. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 6/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Anh đạt 4,4 nghìn tấn, trị giá 28,85 triệu USD, tăng 22,3% về lượng và tăng 15,7% về giá trị so với tháng 6/2022.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Anh đạt 9,1 nghìn tấn, trị giá 141,3 triệu USD, tăng 4,5% về lượng, nhưng giảm 2,64% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Về chủng loại, tháng 6/2023, xuất khẩu hầu hết các chủng loại thủy sản của Việt Nam sang thị trường Anh tăng mạnh, trừ xuất khẩu mực các loại và ghẹ các loại giảm.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Anh tháng 6/2023 đạt 2,06 nghìn tấn, trị giá 19,88 triệu USD, tăng 30,6% về lượng và tăng 22,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm các loại của Việt Nam sang thị trường Anh vẫn giảm 9,4% về lượng và giảm 12,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh tháng 6/2023 tăng 14,8% về lượng, nhưng giảm 14% về giá trị so với tháng 6/2022, đạt 1,8 nghìn tấn, trị giá 5,9 triệu USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Anh đạt 9,4 nghìn tấn, trị giá 33,2 triệu UsD, tăng 15,1% về lượng và tăng 2,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022

Trong khi đó, xuất khẩu cá đông lạnh, cá ngừ đông lạnh, bạch tuộc các loại của Việt Nam sang thị trường Anh tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022.

Nhập khẩu giảm nhưng cơ hội rất lớn

Nhập khẩu thủy sản của Vương quốc Anh tăng mạnh trong năm 2022. Theo ghi nhận thống kê của ITC, nhập khẩu thủy sản của Anh trong năm 2022 đạt trên 5 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 4 cho Anh, chiếm 7,1%.

Cũng theo số liệu thống kê từ ITC, 4 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu thủy sản của Anh đạt 1,4 tỷ USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2022. Nhập khẩu thủy sản của Anh giảm do tỷ lệ lạm phát cao khiến nhu cầu tiêu dùng thủy sản giảm.

Theo Công ty nghiên cứu thực phẩm Kantar, tổng doanh số bán thủy sản ướp lạnh tại Anh trong quý kết thúc vào ngày 15/5/2023 giảm 11% xuống còn 489,9 triệu bảng Anh (tương đương 601 triệu USD), chủ yếu là do lạm phát giá cao kỷ lục. Sự sụt giảm lớn nhất là thủy sản tẩm bột, với doanh số bán hàng giảm 20,9% trong quý; doanh số bán cá hun khói giảm 14,9%, doanh số bán thủy sản có vỏ giảm 13,9%.

Dù mức nhập khẩu thủy sản của Anh giảm 4 tháng đầu năm 2023, tuy nhiên nhiều chuyên gia vẫn nhận định, đây là thị trường tiềm năng bởi nhu cầu tiêu thụ ở mức khá cao và người tiêu dùng cũng rất ưa chuộng thủy sản.

  Hiểu rõ thị trường, nắm bắt cơ hội

Theo báo cáo mới công bố quý I/2022 của Defra Family Food, tiêu thụ thủy sản của người Anh ở nhà năm 2020 đạt 148,2 g/người/tuần, tăng 1,6% so với năm 2019. Trong khi tiêu thụ thủy sản ở ngoài nhà đạt 15,64 g/người/tuần, giảm 4,3%. Tổng mức tiêu thụ thủy sản của người Anh năm 2020 là 162,98, tăng 1% so với năm trước.       

Đa phần người dân Vương quốc Anh đều ăn cá hoặc thủy sản ít nhất 1 lần/tuần. Chính phủ nước này cũng khuyến khích người dân sử dụng thủy sản làm thực phẩm chính trong ít nhất 2 bữa/tuần nhằm cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể.

Thị hiếu của người dân Vương quốc Anh khá ổn định. Người tiêu dùng tại thị trường này cũng khó thay đổi thói quen. Theo báo cáo cập nhật của Defra Family Food thì khoảng 66% người tiêu dùng Anh mua thủy sản ở các cửa hàng bán lẻ. Lượng tiêu thụ thủy sản của Vương quốc Anh là 5 loài hải sản chính (chiếm khoảng 62%), gồm chủ yếu là tôm với phần lớn nguồn cung đến từ các quốc gia khác.

Anh luôn là thị trường có nhu cầu và yêu cầu cao về những sản phẩm thủy sản chất lượng, do vậy khi kinh tế phục hồi nhu cầu nhập khẩu những sản phẩm thủy sản có trị giá cao ở dạng tươi sống, cỡ to phục vụ tiêu dùng ở các nhà hàng sẽ tăng trở lại.

Người tiêu dùng Anh luôn chỉ lựa chọn những sản phẩm có những tiêu chuẩn cao do các cơ quan chức năng ở Anh và EU cấp về chất lượng sản phẩm, về nguồn gốc, tính bền vững của sản phẩm, thân thiện với môi trường và tiện dụng. Vì vậy, để có thể tăng mạnh thị phần thủy sản ở thị trường Anh, các sản phẩm thủy sản Việt Nam cần phải đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, hình thức và khẩu vị.

Về dài hạn, Anh vẫn sẽ là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam với các nhóm hàng chủ lực là tôm, cá tra, cá ngừ. Dự báo xuất khẩu tôm sang thị trường Anh giai đoạn 2022 - 2025 có thể hồi phục và duy trì tăng trưởng dương trung bình khoảng trên 10%/năm.

Thúy Nga