Thị trường xuất khẩu thủy sản đã chạm đáy và bắt đầu tín hiệu khởi sắc

12/07/2023 - 14:31 | Giá cả, thông tin thị trường

Ngày 05/7, tại Hà Nội, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư, Cục Thú y, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, đại diện lãnh đạo các Viện, trường nghiên cứu, Hội, hiệp hội trong lĩnh vực thủy sản cùng các phóng viên báo chí đến đưa tin về Hội nghị. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.

   Trong 6 tháng đầu năm tình hình thời tiết diễn biến tương đối thuận lợi cho nuôi trồng và khai thác thủy sản. Giá xăng dầu ổn định và có xu hướng giảm tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm, chủ động tham gia bám biển ở tất cả các vùng biển để tổ chức khai thác hải sản. Tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, xuất, nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm thủy sản đã phục hồi và phát triển tương đối ổn định. Ngành thủy sản tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Bộ trưởng, đồng chí Thứ trưởng phụ trách ngành, các địa phương và sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và bà con ngư dân. Cơ cấu tổ chức, bộ máy của Cục Thủy sản được kiện toàn ngay khi chức năng nhiệm vụ được Bộ phân giao giúp cho việc tham mưu Bộ trong chỉ đạo, điều hành hoạt động quản lý, tổ chức sản xuất xuyên suốt, liền mạch.

Bên cạnh những thuận lợi, trong 6 tháng đầu năm Ngành Thủy sản phải đôi mặt không ít những khó khăn thách thức do Ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine vẫn kéo dài, cùng với những hậu quả của đại dịch Covid-19 từ năm trước khiến kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn so với dự báo trước đó, lạm phát ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, người dân các nước thắt chặt chi tiêu, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu giảm mạnh trong đó có sản phẩm thủy sản dẫn đến những khó khăn trong hoạt động xuất khẩu thủy sản. Giá cả một số hàng hóa, vật tư đầu vào phục vụ phát triển thủy sản vẫn còn ở mức cao, chi phí logistic cao gây áp lực đối với hoạt động sản xuất, đặc biệt là khi nhu cầu tiêu thụ chững lại và quy mô sản xuất bị thu hẹp; nguồn nhân lực lao động phục vụ trong các nhà máy chế biến bị thiếu hụt cục bộ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thủy sản và người dân tham gia vào chuỗi sản xuất. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long, ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hiệu quả nuôi trồng thủy sản. Ủy ban Châu Âu tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam…

Sản lượng tiếp tục tăng, xuất khẩu giảm sâu

Theo báo cáo của Cục Thủy sản, tính đến hết tháng 6/2023, tổng sản lượng thủy sản đạt 4,27 triệu tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2022 (4,2 triệu tấn), đạt 47,2% kế hoạch (9,05 triệu tấn), trong đó sản lượng khai thác thủy sản đạt 1,934 triệu tấn, tăng 0,2% (1,93 triệu tấn), sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 2,336 triệu tấn, tăng 3,0% (2,27 triệu tấn). So với chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2023: Tổng sản lượng thủy sản đạt 47,2% (9,05 triệu tấn); trong đó sản lượng khai thác đạt 52,5% (3,68 triệu tấn), sản lượng nuôi trồng đạt 43,5% (5,37 triệu tấn).

Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 4,13 tỷ USD, giảm 27,4% cùng kỳ năm 2022 (5,25 tỷ USD) và đạt 41,3% kế hoạch (10 tỷ USD).

Phát biểu tại Hội nghị, Ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản nhấn mạnh, mặc dù sản lượng và diện tích thả nuôi thủy sản trong 6 tháng đầu năm vẫn duy trì đà tăng trưởng tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản lại giảm sâu. Cùng với những tín hiệu và dự báo thị trường xuất khẩu trong những tháng tới, công tác chỉ đạo điều hành của các cơ quan quản lý và địa phương phải bám sát, nắm bắt tình hình diễn biến giá cả thị trường, dự báo diễn biến nhu cầu của thị trường tiêu thụ, kịp thời thông tin đến chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người nuôi có kế hoạch thả giống và giải pháp phù hợp trong tổ chức sản xuất. Chủ động nguồn nguyên liệu, đảm bảo nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu khi thị trường khởi sắc tránh bị động, thiếu hụt vào cao điểm phục vụ các đơn hàng mùa Lễ, Tết cuối năm.

Bên cạnh đó, Ông Luân cũng chỉ ra những khó khăn thách thức mà ngành cần tập trung giải quyết trong 6 tháng cuối năm như: Theo sát diễn biến thời tiết, ô nhiễm môi trường, tình hình dịch bệnh có xu hướng gia tăng; vấn đề giao mặt nước trong nuôi biển; Điều kiện làm việc trên tàu cá; an toàn thực phẩm tại các cảng cá; các thị trường nhập khẩu liên tục đặt ra những điều kiện khắt khe về an toàn thực phẩm; an sinh động vật; truy xuất nguồn gốc; vấn đề về lao động trong ngành thủy sản. Trong thời gian tới các đoàn thanh tra của các nước nhập khẩu sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở nuôi trồng, sản xuất và chế biến của các doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, chuẩn bị tiếp Đoàn cơ quan thanh tra An toàn thực phẩm (FSIS) Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sang đánh giá tương đồng về kiểm soát ATTP cá da trơn của Việt Nam.

Từ những thách thức trên, Ông Luân yêu cầu lãnh đạo các đơn vị, các địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, chủ động giải quyết trong công việc, kịp thời báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo Cục, Bộ để giải quyết những khó khăn vướng mắc, đặc biệt, trong công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Phát biểu tại Hội nghị, Ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng phòng Quản lý tàu cá và CSDVHC nghề cá cho rằng, mặc dù số lượng tàu cá đã giảm tương đối nhưng sản lượng khai thác thủy sản vẫn tăng. Nguyên nhân được cho là trong một thời gian dài ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá dầu tăng cao tàu thuyền nằm bờ dài ngày, đến nay, dịch đã kiểm soát, giá dầu đã giảm cùng với đó thời tiết trong 6 tháng đầu năm tương đối thuận lợi cho ngư dân khai thác trên biển. Giá cả các mặt hàng sản phẩm hải sản khai thác có xu hướng tăng nhẹ.

Tuy nhiên, theo Ông Trung, để đạt mục tiêu năm 2023 đã đề ra của ngành thủy sản, trong 6 tháng cuối năm lĩnh vực nuôi trồng sẽ phải đối mặt rất nhiều áp lực kể cả mục tiêu về sản lượng và xuất khẩu, cụ thể sản lượng phải tăng hơn 6 tháng đầu năm 1 triệu tấn (đạt 3,03 triệu tấn). Nhận định trong 6 tháng cuối năm 2023, thời tiết mùa mưa bão, hiện tượng Elnino, La nina sẽ gây khó khăn cho khai thác trên biển, cần đảm bảo an toàn về tàu cá hoạt động trên biển. Khẩn trương phối hợp các đơn vị liên quan hoàn thiện quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Hội nghị, Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết, trong 6 tháng vừa qua tình hình số đơn hàng xuất khẩu thủy sản bị trả về do vi phạm về ATTP đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, trong thời gian tới, sẽ có rất nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra về điều kiện an toàn thực phẩm của các nước sẽ sang Việt Nam tiến hành thanh tra. Chính vì vậy, các doanh nghiệp, cơ sở nuôi trồng sản xuất, chế biến cần chuẩn bị kỹ lưỡng các hồ sơ và cập nhật các quy định của các thị trường để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu. Trong bối cảnh, cạnh tranh từ thị trường rất khó khăn, các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như: Ecuado, Ấn Độ,… đã ổn định nguồn cung, cạnh tranh về giá cả, nên chúng ta cần có chiến lược, thực hiện tốt cá quy định thị trường để giữ vững vị thế, thị phần xuất khẩu.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao những kết quả đã đạt được của ngành Thủy sản, trong 6 tháng đầu năm có rất nhiều khó khăn thách thức từ cơ cấu tổ chức, thị trường xuất khẩu,…Tuy nhiên, ngành Thủy sản vẫn cố gắng quyết tâm đến nay cơ bản đã ổn định bộ máy, đi vào hoạt động một cách thông suốt.

Nói về thị trường xuất khẩu, có thể nói trong 6 tháng vừa qua thị trường xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn không chỉ mặt hàng thủy sản mà còn hầu hết các mặt hàng khác đều chịu ảnh hưởng rất lớn từ lạm phát, nhu cầu tiêu thụ giảm rõ rệt. "Có thể nói, thị trường đã chạm đáy, nhưng gần đây đã có dấu hiệu khởi sắc; do đó từ nay đến cuối năm, thủy sản phải cố gắng, nỗ lực phấn đấu nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu của ngành năm 2023", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Triển khai đồng bộ, hiệu quả các luật, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành thủy sản. Tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đặc biệt, khó khăn vướng mắc trong đầu tư công. Hoàn thiện quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chuẩn bị tốt các điều kiện làm việc, bố trí nhân sự, có phương án để tiếp các đoàn Thanh tra của các nước sang làm việc về ATTP, các các điều kiện xuất khẩu thủy sản.

Mùa mưa bão sắp tới, hiện tượng thời tiết cực đoan diễn biến bất thường cần có những chỉ đạo để đảm bảo an toàn tàu cá, an toàn các cơ sở nuôi trồng trên biển, phối hợp với các cơ quan chức năng kịp ứng phó với thời tiết mưa bão…

          Thúy Nga (nguồn TCTS)