Sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam được mở rộng trên 180 thị trường

06/05/2019 - 01:42 | Xúc tiến thương mại

Thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản của Việt Nam được mở rộng với trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kim ngạch xuất khẩu vượt 40 tỷ USD, tham gia hội nhập kinh tế quốc tế và thực thi các hiệp định thương mại tự do, thị trường tiêu thụ nông sản Việt Nam tiếp tục được mở rộng. Điều này được thể hiện rõ qua kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản luôn tăng khá, đặc biệt trong giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng xuất khẩu ổn định, là trụ đỡ cho sự phát triển Kinh tế - Xã hội.

Thực hiện các cam kết tự do hóa thương mại, Việt Nam đã tăng cường xuất khẩu các sản phẩm nông sản có lợi thế cạnh tranh. Hoạt động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp đã tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất nông sản trong nước, cải thiện đời sống nông dân và phát triển mối quan hệ đa phương, hiệu quả với nhiều quốc gia trên thế giới. Nhờ vậy, thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản được mở rộng với trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu vượt 40 tỷ USD. Hội nhập kinh tế đã giúp nông sản Việt Nam vượt qua rào cản thuế quan, nhất là đối với những nông sản mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như: Gạo, thủy sản, trái cây ... Việc gia nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới cũng giúp Việt Nam tiếp cận với nguồn nguyên liệu ổn định hơn cho sản xuất, có chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh, thúc đẩy nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu.

Điển hình với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sẽ giúp cho nông sản Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường tiếp cận các thị trường lớn nhất thế giới với ưu thế đáng kể. Hiệp định còn tạo động lực và sức ép cho doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất trong nước theo hướng giảm xuất khẩu nguyên liệu và sơ chế, đầu tư phát triển chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng, tăng cường xuất khẩu sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao. Nông lâm thủy sản Việt Nam có cơ hội tham gia vào những chuỗi cung ứng toàn cầu. Không chỉ tạo ra cơ hội trong xuất nhập khẩu hàng hóa, quá trình hội nhập đã tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng, khả năng cạnh tranh và tăng cường hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều kỹ thuật tiên tiến và các tiêu chuẩn kỹ thuật như VietGAP, ISO, HACCP… trong lĩnh vực sản xuất, chế biến đã và đang được áp dụng tại Việt Nam. Các tiêu chuẩn quốc gia về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật của Việt Nam có tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế tham chiếu ngày càng tăng, giúp nông sản Việt Nam ngày càng thâm nhập sâu hơn vào thị trường khó tính.

Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ về phát triển thị trường nước ngoài, ưu tiên những thị trường có kim ngạch xuất khẩu cao, tháo gỡ rào cản, vướng mắc cho xuất khẩu. Đến nay, nhiều rào cản về thị trường nông sản xuất khẩu đã được tháo gỡ kịp thời; tăng cường cung cấp thông tin chính thống về nông sản sạch, an toàn và quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn tiên tiến đến các thị trường nhập khẩu để người tiêu dùng nước ngoài hiểu rõ và tin cậy hơn đối với nông sản Việt Nam. Điểm nổi bật trong xúc tiến thương mại tại thị trường quốc tế trong năm qua của ngành là sự nỗ lực tháo gỡ khó khăn vướng mắc tại 2 khu vực thị trường lớn Trung Quốc và EU. Tại thị trường Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức các đoàn công tác sang làm việc với các cơ quan chức năng kết hợp tổ chức/tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại giới thiệu quảng bá sản phẩm nông sản,  còn tại thị trường EU, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chuyển hướng tiếp cận mới cho việc thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp thông qua các hoạt động tăng cường sự hiện diện của nông sản Việt Nam tại các siêu thị lớn và chợ đầu mối quan trọng. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản tại Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, các nước thuộc ASEAN và hoạt động thúc đẩy thương mại, giải quyết vướng mắc cho cá da trơn tại Hoa Kỳ.

(tình hình xuất khẩu nông sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Vài năm gần đây, nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu như tiêu, ca cao, điều, rau củ đã có chỗ đứng ở một số thị trường như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… điển hình như một số doanh nghiệp sau: Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Xuất nhập khẩu Thiện Thoa, doanh nghiệp này có vùng trồng chuối tại các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, trang trại chuối của công ty có quy mô hơn 100ha tại xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức, được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn giống, quy trình chăm sóc, thu hoạch đến đóng gói, bảo quản, xuất khẩu. Công ty đã nhập nhiều thiết bị tiên tiến để áp dụng vào sản xuất chuối như: Máy phun diệt sâu bọ bằng khói, tưới nước tiết kiệm… nhằm giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất. Theo ông Lê Quốc Trầm, cán bộ xuất nhập khẩu công ty, với quy trình này, công ty bảo đảm được 62 tiêu chí để xuất khẩu 2.400 tấn chuối già hương/tháng sang các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản; HTX Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây đang canh tác gần 100 ha tiêu, với các sản phẩm chủ lực: Tiêu đen, tiêu đỏ, tiêu sọ, tiêu ngũ sắc, tiêu lốp, tiêu đông lạnh, tiêu không hạt. Ngoài thị trường trong nước, tiêu Bầu Mây đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc; Vài năm trở lại đây, một số nông sản khác như ca cao, cà phê cũng đã tìm được đường xuất ngoại. Trong đó, sản phẩm ca cao của Công ty TNHH ca cao Thành Đạt (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) đã xuất khẩu sang thị trường Hà Lan, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, với sản lượng khoảng 200 tấn/năm. Hiện nay, công ty đã xây dựng nhà máy chế biến với dây chuyền sản xuất, lên men đạt chuẩn ISO 9001- 2000 tại xã Xà Bang để sản xuất các sản phẩm như: Bột ca cao, bơ ca cao, rượu ca cao, chocolate)

Kim Khánh