Nuôi tôm vào mùa mưa của nông dân xã Lộc An

24/06/2021 - 15:39 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Toàn xã Lộc An có 47 hộ dân nuôi trồng thủy sản với diện tích khoảng 548,96 ha. Trong đó: diện tích nuôi công nghiệp: 465,20 ha; bán công nghiệp: 0,96 ha; quảng canh: 8,25 ha; quảng canh cải tiến: 65,87 ha và diện tích nuôi cá nước ngọt là 8,68 ha.

Nhận thấy tình hình mưa bất thường cũng gây nguy cơ rủi ro ở tôm rất cao. Hội Nông dân xã đã gặp gỡ, tiếp xúc với hộ hội viên nông dân Lại Tấn Quang đang nuôi tôm từ năm 2001 đến nay tại khu vực tổ 19, ấp An Bình, hiện hộ đang nuôi tôm thẻ chân trắng với hình thức nuôi công nghiệp, diện tích nuôi 3 ha (5 ao), nuôi khoảng 500.000 con tôm giống, mùa mưa thì nuôi tôm thẻ, còn mùa nắng nuôi tôm sú.

Trung bình 3 ha nuôi tôm sú vào mùa nắng, thời gian nuôi khoảng 4,5 tháng, thu hoạch 10 tấn, lợi nhuận khoảng 1,8 tỷ đồng; mùa mưa lợi nhuận khoảng 700 triệu đồng. Còn nuôi tôm thẻ thời gian nuôi khoảng 3 tháng, thu hoạch 20 tấn, lợi nhuận khoảng 700 triệu đồng. Riêng phần chi phí đầu tư vào mùa nắng 500 triệu, còn mùa mưa đầu tư 700 triệu đồng.

Nguyên nhân khi trời mưa nhiệt độ, độ mặn, pH và oxy hòa tan trong ao đều bị giảm đột ngột. Việc chăm sóc tôm nuôi trong mùa mưa nhất là những cơn mưa liên tục kéo dài gây nhiều khó khăn cho người nuôi, kể cả những người nuôi có kinh nghiệm, từ việc xả nước mặt cho đến chế độ tăng giảm lượng thức ăn cho hợp lý tránh dư thừa thức ăn, bên cạnh đó, khi trời mưa những tạp chất, độ phù sa cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc nuôi tôm

Như nuôi tôm sú, nhiệt độ cơ thể của tôm có thể thay đổi trong một khoảng nhiệt độ giới hạn. Nhưng nếu các yếu tố môi trường thay đổi đột ngột vượt quá giới hạn cho phép tôm sẽ bị yếu, sốc và có thể chết hàng loạt.

Để tuyên truyền đến những hộ nuôi tôm một số kinh nghiệm của ngành chức năng. Hội Nông dân xã Lộc An đã phối hợp trạm Khuyến nông huyện Đất Đỏ khuyến cáo nông dân nuôi tôm thực hiện đồng bộ các khâu từ khi xử lý ao đến khi nuôi như: Phải có ao lắng và xử lý nước đúng quy trình trước khi cấp vào ao nuôi; Mật độ thả nuôi thích hợp; Tăng cường hệ thống quạt nước, ôxy đáy ao, giảm phân tầng trong ao về nhiệt độ, độ mặn, ôxy; Kiểm tra hoạt động của tôm và môi trường nước sau mưa; Theo dõi thường xuyên nước trong ao; Phương pháp tăng độ kiềm trong ao nuôi; Quản lý tảo khi độ mặn thấp hơn 8 phần ngàn; Giải quyết nước đục trong ao; Quản lý các khí độc NH3, H2S, CH4; Cho ăn đúng chương trình, giảm lượng thức ăn khi trời mưa, sắp mưa…

Nhìn chung, thời gian qua, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đóng góp không nhỏ vào việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân góp phần cùa địa phương hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn xã. Tuy nhiên, nuôi tôm cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là vào vụ nuôi ở mùa mưa, tôm nuôi rất dễ phát sinh dịch bệnh, nếu nông dân nuôi tôm không xử lý kịp thời thì việc tôm chết dẫn đến thiệt hại là không tránh khỏi, làm ảnh hưởng liên tục đến đời sống của nông dân, của những hộ nuôi tôm trên địa bàn xã Lộc An

Phạm Duy Ân