Nguồn chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh

03/11/2022 - 11:09 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Ngành chăn nuôi của tỉnh ngày càng có vị trí hết sức quan trọng trong cơ cấu của ngành nông nghiệp và có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống kinh tế xã hội của nhân dân, góp phần giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập và là cơ hội làm giàu cho nông dân. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của ngành chăn nuôi là sự ảnh hưởng không hề nhỏ đến môi trường, sức khỏe, đời sống của con người.

 Lượng chất thải của hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh

Tổng lượng chất thải của hoạt động chăn nuôi bao gốm lượng chất thải rắn (bao gồm phân, chất độn chuồng, các loại thức ăn thừa hoặc rơi vãi) của động vật và nguồn nước thải (bao gồm nước tiểu của gia súc, nước tắm cho gia súc,  nước rửa chuồng trại, nước từ sân chơi, bãi vận động, bãi chăn) và lượng khí thải (Ni tơ, Phốt pho, kẽm, đồng, chì, Asen, Niken-kim loại nặng).

 Theo tính toán dựa trên cơ sở khoa học sinh lý vật nuôi và số liệu thống kê có thể thấy, ước lượng mức thải trung bình: Heo (2 kg phân/con/ngày; 25 lít /ngày lượng chất lỏng); Trâu, bò (15 kg phân/con/ngày; 50 lít phân lỏng); Gia cầm (0,2 kg phân/con/ngày)... Với tổng đàn vật nuôi trong cả tỉnh như hiện tại: tổng đàn heo 372.623 con; tổng đàn gia cầm 6,5 triệu con; tổng đàn trâu bò 55.000 con; tổng đàn dê, cừu 95.000 con thì tính ra trung bình hàng năm lượng chất thải trung bình từ hoạt động chăn nuôi là hơn 757.519 tấn chất thải rắn; 3.834.352 khối chất thải lỏng và 181.805 tấn chất thải khí ra môi trường.

Thống kê thực trạng và tình hình áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi tại địa phương

 Đối với chăn nuôi trang trại

Các trang trại chăn nuôi heo có 80% trại heo trên địa bàn tỉnh thực hiện xử lý chất thải bằng hình thức Biogas, đảm bảo vệ sinh thú y, môi trường sinh thái. Các trang trại chăn nuôi gà, vịt công nghiệp tập trung chủ yếu rải trấu, thu gom phân đóng bao bán sau mỗi lứa nuôi. Nước rửa chuồng cho chảy xuống hồ tự thấm.

Đối với chăn nuôi hộ gia đình, nhỏ lẻ

Khoảng 32% số gia trại, hộ gia đình chăn nuôi heo nhỏ lẻ có sử dụng các phương pháp xử lý môi trường chăn nuôi (biogas, hồ sinh học, thủy trúc,..). Phần lớn cơ sở chăn nuôi còn lại đều không có biện pháp xử lý môi trường, chất thải được xả trực tiếp ra ngoài hoặc xuống hồ tự thấm, bơm tưới cây...

Các khó khăn, vướng mắc trong công tác thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi: Một số trang trại chăn nuôi tuy đã áp dụng các công nghệ trong xử ký chất thải nhưng do không đạt chuẩn, công suất không phù hợp nên xử lý chất thải vẫn chưa triệt để. Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát đều hạn chế về vốn đầu tư, kỹ thuật chưa được áp dụng nhiều , do đó ít chú trọng đến công tác xử lý chất thải bảo vệ môi trường.

Tác động của chất thải trong chăn nuôi tới môi trường

Gây ô nhiễm đất

Thay đổi cấu trúc thành phần đất cũng như hệ sinh thái trong đất. Do việc bổ sung oxid kẽm (ZnO) với hàm lượng quá cao trong thức ăn cho heo so với quy định để phòng ngừa tiêu chảy hay việc dùng Arsenic acid với hàm lượng cao để bổ sung vào thức ăn chăn nuôi cho gia cầm để kiểm soát các sinh vật ký sinh và giúp tăng trọng trong chăn nuôi gia cầm, khi vật nuôi không chuyển hóa hết thì lượng kim loại dư thừa như Zu, Cu, Arsen…sẽ thải ra phân ra môi trường bên ngoài dẫn đến việc đất bị ô nhiễm kim loại nặng. Gây thoái hóa đất và xói mòn do: mở rộng diện tích chăn nuôi, tập tính bầy đàn, nhu cầu bãi chăn thả. Chứa đựng vi sinh vật gây bệnh cho người và vật nuôi.

Gây ô nhiễm không khí

Bụi: do thức ăn, chuồng trại, hệ thống chuồng trại. Theo tính toán ngành chăn nuôi chiếm 18% tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Trong đó, lượng khí thải trong chăn nuôi chủ yếu là lượng khí CO2 chiếm 9%, khí CH4 chiếm 37%, khí NO2 chiếm 65%, khí NH3 chiếm 64% tổng lượng thải mỗi lại trên toàn cầu. Ước tính một tấn phân chuồng tươi với cách quản lý, sử dụng như hiện nay sẽ phát thải vào không khí khoảng 0,24 tấn CO2 quy đổi thì với tổng khối chất thải nêu trên sẽ phát thải vào không khí 17,52 triệu tấn CO2.

Gây ô nhiễm nước

Chăn nuôi sử dụng 8% tổng lượng nước của loài người trên toàn thế giới. Nước thải của ngành chăn nuôi chứa nhiều chất gây ô nhiễm môi trường: chất hữu cơ, chất kháng sinh, hóc môn, hóa chất. Nhiều vi sinh vật gây hại tồn tại trong nước tahir của chăn nuôi: Ecoli, Streptomycin, Salmonella…Chứa hàm lượng Nitrat (NH3) cao.

  Hậu quả của ô nhiễm môi trường do chăn nuôi

Ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây nên  chủ yếu từ các nguồn chất thải rắn, chất thải lỏng, bụi, tiếng ồn, xác gia súc, gia cầm chết chôn lấp, tiêu hủy không đúng kỹ thuật. Một kết quả kiểm tra mức độ nhiễm khuẩn trong chuồng nuôi gia súc cho thấy, tổng số vi khuẩn trong không khí ở chuồng nuôi cao gấp 30-40 lần so với không khí bên ngoài. Mất đa dạng sinh học: những tác động tiêu cực của ngành chăn nuôi đến mơi trường đất, nước, không khí và khí hậu đã dẫn đến một kết quả tất yếu đối với hệ sinh thái Trái đất, đó là sựu suy giảm đa dạng sinh học, phát triển không bền vững. Gây biến đổi khí hậu: tăng nhiệt độ, tăng mực nước biển, hạn hán, lũ lụt.

Đối với các cơ sở chăn nuôi, các chất thải gây ô nhiễm môi trường có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, làm giảm sức đề kháng vật nuôi, tăng tỷ lệ mắc bệnh, năng suất bị giảm, tăng các chi phí phòng trị bệnh, hiệu quả kinh tế của chăn nuôi không cao, . . .. Sức đề kháng của gia súc, gia cầm giảm sút sẽ là nguy cơ gây nên bùng phát dịch bệnh. Vì vậy, WHO [2005] khuyến cáo phải có các giải pháp tăng cường việc làm trong sạch môi trường chăn nuôi, kiểm soát, xử lý chất thải, giữ vững được an toàn sinh học, tăng cường sức khỏe các đàn giống. Các chất thải chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường do vi sinh vật (các mầm bệnh truyền nhiễm) là đặc biệt nguy hiểm, vì nó sẽ làm phát sinh các loại dịch bệnh như ỉa chảy, lở mồm long móng, tai xanh, cúm gia cầm H5N1, . .

 Công tác quản lý nhà nước về môi trường chăn nuôi

 Uỷ ban nhân dân tỉnh cũng đã điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành chăn nuôi và quy hoạch vùng chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh, nhằm đảm bảo việc chăn nuôi thành vùng tập trung, không gây ảnh hưởng đến thượng nguồn các hồ cấp nước; đồng thời thực hiện một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở chăn nuôi… di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất để chủ động phòng chống dịch và ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do các trang trại chăn nuôi, UBND tỉnh cũng đã có kế hoạch sẽ tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi; trong đó khảo sát đánh giá lại thực trạng chăn nuôi, khu chăn nuôi tập trung. Trước mắt, để bảo đảm môi trường, các địa phương sẽ tiến hành di dời các trang trại, hộ chăn nuôi ra khỏi nội thành, nội thị. Với các trang trại đầu tư mới, yêu cầu triển khai mô hình ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, trong đó ưu tiên các giải pháp về bảo vệ môi trường như ép phân, chế biến phân hữu cơ sinh học, đưa các chế phẩm xử lý mùi, ô nhiễm vào sử dụng để giảm bớt mùi hôi. Ngoài ra, đầu tư hệ thống hầm biogas tại các cơ sở chăn nuôi là một hướng được khuyến khích vừa bảo vệ môi trường, vừa tận dụng được khí thải để phát điện, nấu nướng...

                                     Hạnh Nguyễn – Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh