Một số giải pháp để phát triển sầu riêng bền vững

18/10/2023 - 11:37 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Ngày 17/9/2022, hơn 100 tấn sầu riêng đầu tiên đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc theo Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Điều đó đã mở ra cơ hội cho người trồng sầu riêng của Việt Nam trong việc gia tăng xuất khẩu các loại quả này sang thị trường 1,4 tỷ dân. Vì nhu cầu tiêu dùng sầu riêng tại thị trường Trung Quốc rất lớn (năm 2021 xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan sang Trung Quốc là 807,28 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan sang Trung Quốc tăng hơn 5% so với năm 2021). Hiện nay, tình hình xuất khuẩn thuận lợi là tín hiệu tốt cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Tiêu chí nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào chất lượng và quản lý dịch hại đúng yêu cầu, đồng thời có tên gọi phù hợp (không được trùng với các tên giống đã đăng ký ở Trung Quốc,…). Do đó, mục tiêu trước mắt là kiến thiết các vùng trồng sẵn có nhằm đảm bảo chất lượng quả sầu riêng mới hy vọng xuất khẩu quả sầu riêng sang Trung Quốc. Tính đến thời điểm hiện tại, Bà Rịa - Vũng Tàu đã được cấp 05 mã vùng trồng sầu riêng vớ diện tích 124,2 ha; đồng thời có 09 mã đang chờ được phê duyệt đáp ứng đầy đủ yêu cầu để xuất sản phẩm chính ngạch vào thì trường Trung Quốc là một trong những tín hiệu tốt.

Tuy nhiên, để tránh những rủi ro có thể xảy ra sau này, người nông dân cần mạnh dạn loại bỏ tư duy sản xuất luôn chạy theo các giống mới mặc dù chưa biết chất lượng của giống đó, thấy cây gì được giá thì trồng ồ ạt, thận trọng trong chọn giống vì giống cây ăn quả, nhất là sầu riêng có thời gian kiến thiết cơ bản dài, đầu tư lớn (cây trồng từ 4-5 năm mới cho quả).

Cần tuân thủ quy hoạch vùng trồng các loại cây ăn quả của địa phương, khuyến cáo của ngành nông nghiệp để đầu tư, quy hoạch từ vùng nguyên liệu, ứng dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao chất lượng, sản lượng đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Quan trọng nhất là điều phối hiệu quả giữa sản xuất và tiêu dùng, tránh tình trạng cung vượt cầu, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Hải Dương (Tham khảo Ths. Nguyễn Nhật Trường)