Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là hướng phát triển bền vững cho hợp tác xã

12/10/2023 - 17:20 | Thông tin doanh nghiệp cần biết

Trong những năm qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây nên các hiện tượng như thiên tai, dịch bệnh,…và nhu cầu đòi hỏi ngày càng khắc nghiệt của thị trường mà nhiều hợp tác xã (HTX) sản xuất kinh doanh yếu kém buộc phải giải thể. Song cũng có nhiều HTX đã thực đổi mới phương thức sản xuất theo hướng liên kết, đến nay họ vẫn trụ vững và ngày càng phát triển, mang lại thu nhập cao cho các thành viên.


        Xác định hợp tác liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế bền vững luôn là mục tiêu xuyên suốt được Đảng, nhà nước quan tâm thông qua nhiều Chủ trương lớn, được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Hình thức tổ chức sản xuất được thông qua nhiều chủ thể, đặc biệt Hợp tác xã đóng vai trò hết sức quan trọng được các địa phương, trong đó có Bà Rịa – Vũng Tàu rất chú trọng. Bởi lẽ kinh tế hợp tác không chỉ giúp ổn định về phát triển sản xuất kinh doanh mà còn tạo việc làm, gia tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống của thành viên. Phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp có ý nghĩa sâu sắc cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và trật tự an ninh. Đặc biệt, trong cách mạng công nghiệp 4.0, muốn sản xuất hàng hóa lớn tất yếu phải liên kết hợp tác, làm theo tiêu chuẩn thì sản phẩm mới có chỗ đứng trên thị trường.


Hình ảnh: Sản phẩm bưởi da xanh của HTX bưởi da xanh Hắc Dịch- một trong những HTX được UBND tỉnh phê duyệt dự án hỗ trợ liên kết năm 2022.

Triển khai thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Tính đến nay, ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đang triển khai thực hiện hỗ trợ giống, vật tư, máy móc, thiết bị cho 04 dự án của các chủ trì liên kết đã được UBND tỉnh phê duyệt trong năm 2022, đó là: mô hình liên kết điểm của Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lá Xanh, huyện Long Điền; mô hình liên kết điểm sản xuất và tiêu thụ thanh long của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Bà Rịa – Vũng Tàu; mô hình liên kết điểm sản xuất và tiêu thụ Tôm thẻ chân trắng của Hợp tác xã Chợ Bến, huyện Long Điền; dự án liên kết tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ Bưởi da xanh của Hợp tác xã Bưởi da xanh Hắc Dịch, Thị xã Phú Mỹ; và dự kiến trong năm 2023 sẽ tiếp tục trình UBND tỉnh phê duyệt 05 mô hình/dự án liên kết. Việc liên kết trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ngoài việ giúp gắn kết giữa nông dân, hợp tác xã và các doanh nghiệp. Sự hợp tác này đã khắc phục những mặt hạn chế của tình trạng sản xuất đơn lẻ như: thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, kinh nghiệm sản xuất, đầu ra bền vững. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế, việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn như quy mô nhỏ, năng lực yếu, hạn chế về vốn, khoa học kỹ thuật.

Tính đến thời điểm hiện nay, tổng số HTX trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là 123, trong đó chưa tới 20 HTX đã thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù số lượng hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn hiện nay cũng tương đối, tuy nhiên số hợp tác xã sản xuất hiệu quả, thể hiện được vai trò đầu mối kết nối cung ứng dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho nông sản hàng hóa tại địa phương vẫn còn khá khiêm tốn, chủ yếu vẫn là hỗ trợ trong nội bộ thành viên hợp tác xã mà chưa có liên kết với các nông hộ ngoài hợp tác xã; phần lớn do việc tìm kiếm lựa chọn các doanh nghiệp, hợp tác xã đáp ứng đủ điều kiện năng lực để đứng ra đảm nhận vai trò chủ trì liên kết còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng; việc tuân thủ theo quy trình kỹ thuật đồng nhất còn thiếu tính đồng bộ, tính liên kết giữa người dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, nhận thức một bộ phận nông dân còn hạn chế.

Để phát triển mô hình HTX nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng thì việc liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm là bước đi tất yếu. Đây đòi hỏi là trách nhiệm của tất cả các chủ thể tham gia trực tiếp trong chuỗi giá trị, bên cạnh vai trò định hướng của Nhà nước. Muốn làm được điều đó, các địa phương cần khuyến khích thúc đẩy, hỗ trợ nâng cao năng lực, xây dựng các HTX nông nghiệp mạnh, đủ sức làm trung gian liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp.

Lài Nguyễn – Chi cục Phát triển nông thôn