Kết quả đạt được qua 05 năm triển khai Nghị quyết 07-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

12/07/2023 - 14:38 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Qua 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 24/7/2017 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về phát triển trang trại tỉnh BR-VT giai đoạn 2017-2020. Tính đến tháng 6/2023, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 342 trang trại giảm 11 trang trại so với năm 2017, trong đó có 175 trang trại chăn nuôi (chiếm 51,17%) giảm 63 trang trại so với năm 2017, 132 trang trại trồng trọt (chiếm 38,60%) tăng 30 trang trại so với năm 2021, 27 trang trại thủy sản (chiếm 7,90%) tăng 17 trang trại so với năm 2017, và 08 trang trại tổng hợp (chiếm 2,33%) tăng 05 trang trại so với năm 2017. Tổng diện tích sản xuất của các trang trại trên địa bàn tỉnh là 2.568 ha. Tổng số lao động làm việc thường xuyên của trang trại là 3580 người, lao động bình quân 10 người/trang trại; kết quả sản xuất kinh doanh của trang trại đạt bình quân khoảng 8 tỷ đồng/năm. Bình quân thu nhập của người lao động làm việc trong trang trại khoảng 80 triệu đồng/năm.


Mặc dù số lượng trang trại giảm so với năm 2017, nguyên nhân do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cả đầu vào, đầu ra không ổn định nên thời gian qua có nhiều trang trại không đạt tiêu chí về giá trị sản xuất. Bên cạnh đó tỉnh cũng kiên quyết chấm dứt hoạt động đối với các trang trại chăn nuôi nằm ngoài quy hoạch hoặc không đảm bảo tiêu chí môi trường. Tuy nhiên nhìn chung các mô hình kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh hoạt động có hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa phương. Có thể kể đến trang trại chăn nuôi heo của Công ty TNHH Chăn nuôi Trang Linh tại xã Bông Trang với quy mô chăn nuôi 3.000 con heo nái, 100 heo nọc và 36.000 heo thịt, tạo công ăn việc làm cho 185 lao động; trang trại chăn nuôi gia cầm của ông Trần Văn Ngọc (trại Phạm Nở) với quy mô nuôi 150.000 con gia cầm/lứa phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với doanh thu đạt khoảng 36 - 40 tỷ đồng/ năm; ước lợi nhuận khoảng 5-6 tỷ đồng/năm; trang trại trồng Sầu Riêng của hộ ông Nguyễn Hữu B với quy mô khoảng 3,5 ha hiện đang giai đoạn cho thu hoạch, năng suất ước đạt khoảng 12-15 tấn/ha và dự kiến doanh thu đạt khoảng 2,5-3 tỷ đồng; lợi nhuận khoảng 2-2,5 tỷ đồng/năm.

Đặc biệt, phát triển kinh tế trang trại đã gắn liền với chương trình phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực của từng địa phương; kinh tế trang trại dần đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các loại nông sản hàng hóa, tăng sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp trên thị trường.Việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất đang được các trang trại tập trung đầu tư thực hiện và bước đầu mang lại kết quả tích cực. Nhiều trang trại không chỉ tổ chức sản xuất nông nghiệp đơn thuần mà còn kết hợp phát triển các hoạt động phi nông nghiệp khác tạo ra giá trị sản xuất, doanh thu cao và chủ động hơn trong quá trình sản xuất như: Lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời để cung cấp điện phục vụ sản xuất và bán điện không sử dụng hết cho ngành điện; đầu tư cơ sở sơ chế và chế biến nông sản tại chỗ; phát triển mô hình canh tác nông nghiệp kết hợp điểm tham quan du lịch, trong đó một số trang trại đã bắt đầu cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng, lưu trú qua đêm. Nhiều trang trại đã liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm đầu ra cho trang trại và bà con nông dân. Việc bảo vệ môi trường được các trang trại quan tâm nên nhiều trang trại, nhất là trang trại chăn nuôi đã đầu tư hệ thống để xử lý chất thải nhằm hạn chế sự ô nhiễm môi trường.

Trong thời gian tới, để kinh tế trang trại tiếp tục phát triển vượt bậc, UBND tỉnh xác định một số giải pháp triển khai như sau:

- Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các định hướng phát triển sản xuất của tỉnh, trong đó có định hướng phát triển kinh tế trang trại kết hợp với phổ biến các chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp, nhất là chính sách tín dụng; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm giúp các trang trại tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đủ lớn để đầu tư xây dựng chuồng trại, thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất và phát triển hợp tác liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất, tiêu thụ nông sản.

- Xác định cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh và quy mô phù hợp với từng vùng, địa phương; theo đó đề xuất điều chỉnh cơ cấu sản xuất, sản phẩm nông nghiệp, chú trọng nâng cao chất lượng bằng việc sử dụng các giống mới; phát triển vùng sản xuất chuyên canh, cánh đồng mẫu, tập trung phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục tái cấu trúc ngành chăn nuôi theo hướng chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi trang trại tập trung theo phương thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao.

- Đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao các mô hình sản xuất tiên tiến trong nông nghiệp; hướng dẫn và nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến; các mô hình sản xuất khép kín từ khâu giống, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản tạo nhằm tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hướng dẫn trang trại sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP hoặc tương đương; thực hiện chuyển đổi số hóa, đẩy mạnh việc cấp mã vùng trồng, vùng nuôi và tham gia sàn thương mại điện tử.

- Tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức tổ chức, quản lý cho chủ trang trại; tập huấn, nâng cao kỹ năng sản xuất cho lao động phù hợp với định hướng phát triển kinh tế trang trại. Phổ biến, hướng dẫn các trang trại chuyển đổi mô hình sản xuất truyền thống sang mô hình tiên tiến, hạn chế tối đa nguồn chất thải gây ô nhiễm, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi như: Việc áp dụng công nghệ chăn nuôi tiết kiệm nước; sử dụng đệm lót sinh học, sử dụng máy ép phân; sử dụng chuồng lạnh.

- Kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trong đó tập trung trong việc triển khai, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường; chính sách tín dụng, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực; tăng cường sự liên kết giữa các thành phần kinh tế, lĩnh vực kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, phù hợp với yêu cầu thị trường. Đẩy mạnh việc kêu gọi và tạo điều kiện giải quyết các thủ tục hành chính để thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy, sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp; xây dựng vùng nguyên liệu và hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản phẩm.

- Triển khai các chương trình, chính sách của Trung ương, của tỉnh trong hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá thương hiệu (đối với một số mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh như cacao, hồ tiêu, nhãn, nhàu, bơ, cá đù, nước mắm); liên kết sản xuất; ứng dụng công nghệ thông tin; chuyển đổi kinh tế hộ sang kinh tế trang trại.

Lài Nguyễn – Chi cục Phát triển nông thôn