Hỗ trợ phát triển sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp

21/02/2022 - 15:34 | Xúc tiến thương mại

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 107/2021/TT-BTC quy định quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất giống trong Chương trình Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.

           Theo đó, ngân sách nhà nước ưu tiên kinh phí triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản chủ lực quốc gia theo văn bản quy định của cấp có thẩm quyền.

Đối với giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản chủ lực quốc gia, ngân sách trung ương đảm bảo tối đa 100% kinh phí thực hiện các dự án phát triển sản xuất giống do Bộ NN&PTNT, các Bộ, ngành khác quản lý và tổ chức thực hiện, căn cứ định mức kinh tế kỹ thuật và các văn bản có liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt, gồm: Nhập nội, mua bản quyền giống mới đối với những giống trong nước chưa có; chăm sóc vườn cây đầu dòng, rừng giống, vườn giống để cung cấp vật liệu nhân giống do các đơn vị thực hiện; nhập công nghệ sản xuất giống theo giá trị chuyển nhượng bản quyền, bao gồm cả chi phí thuê chuyên gia nước ngoài để tư vấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và các chi phí khác có liên quan (nếu có)…

          Ngân sách trung ương hỗ trợ một phần chi phí sản xuất giống thực hiện các dự án phát triển sản xuất giống do Bộ NN&PTNT, các Bộ, ngành khác quản lý và tổ chức thực hiện, cụ thể như sau:

          Đối với lĩnh vực trồng trọt: Hỗ trợ tối đa 50% chi phí sản xuất giống; sản xuất giống siêu nguyên chủng, giống bố mẹ dùng để sản xuất hạt lai F1; hỗ trợ tối đa 30% chi phí sản xuất hạt lai F1, chi phí sản xuất cây giống từ vườn cây đầu dòng.

          Đối với lĩnh vực chăn nuôi: Hỗ trợ tối đa 10% chi phí sản xuất giống bố mẹ.

          Đối với lĩnh vực lâm nghiệp: Hỗ trợ tối đa 50% chi phí sản xuất giống; hỗ trợ tối đa 30% chi phí nhân giống cây lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô.

          Đối với lĩnh vực thủy sản: Hỗ trợ tối đa 50% chi phí sản xuất giống.

          Đối với giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản khác: Căn cứ yêu cầu thực tiễn trong từng giai đoạn cụ thể, Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành xem xét, quyết định hỗ trợ theo chính sách của Chương trình này. Nội dung, tỷ lệ hỗ trợ tối đa bằng 70% mức đảm bảo kinh phí và hỗ trợ kinh phí quy định.

          Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 20/01/2022.

                                                          VTH