Giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp: Cần một bước tiến mới

05/01/2024 - 08:46 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Chiều 27/12, Bộ NN-PTNT, Cục Kiểm ngư tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thực thi pháp luật, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) năm 2023, định hướng nhiệm vụ, giải pháp năm 2024; ký quy chế phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng và cảnh sát biển.

Xử phạt mạnh các vi phạm hành chính về IUU

Báo cáo tại hội nghị, ông Dương Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, năm 2023, lực lượng kiểm ngư đã thực hiện 28 chuyến tuần tra trên biển bằng tàu kiểm ngư, 12 chuyến bằng xuồng kiểm ngư với 530 lượt cán bộ, thuyền viên, kiểm tra 1.061 tàu cá, phát hiện 161 tàu cá vi phạm, trong đó 118 tàu cá trong nước và 43 tàu cá nước ngoài. Xử phạt theo thẩm quyền hoặc chuyển các cấp chính quyền xử phạt vi phạm hành chính trên 12 tỷ đồng.

Các hành vi vi phạm chính: Vi phạm về giấy tờ thuyền viên 42 trường hợp; về hồ sơ giấy tờ của tàu cá 29 trường hợp; về trang thiết bị lắp đặt trên tàu cá 20 trường hợp; khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản 41 trường hợp.

Lực lượng kiểm ngư cũng đã kiểm tra, kiểm soát, xử lý 42 tàu cá nước ngoài/167 thuyền viên xâm phạm vùng biển Việt Nam để khai thác thủy sản. Phối hợp vùng Cảnh sát biển, Biên phòng địa phương, hải quân vùng, kiểm ngư địa phương tuần tra chung, tuần tra chuyên đề, hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản hợp pháp, chống khai thác IUU, ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài tại vùng biển Tây Nam bộ và Vịnh Bắc bộ.

Bên cạnh đó, lực lượng kiểm ngư còn tiếp nhận, cung cấp thông tin 166 vụ/172 tàu/778 người gặp tai nạn, sự cố trên biển. Các lực lượng chức năng cứu được 53 lượt tàu/391 người và hỗ trợ y tế cho 17 người bị thương, bị ốm, 9 người bị tai nạn lao động.

Theo ông Dương Văn Cường, năm 2023 công tác thực thi pháp luật, chống khai thác IUU được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ NN-PTNT quan tâm chỉ đạo thường xuyên, liên tục, thực hiện có hiệu quả nhằm gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC.

Ngoài lực lượng kiểm ngư, lực lượng hải quân, cảnh sát biển thường xuyên duy trì từ 40 - 42 tàu kết hợp sử dụng máy bay DHC-6 tuần tra, kiểm tra, kiểm soát liên tục tại các vùng biển giáp ranh, chống lấn giữa Việt Nam với Thái Lan, Malaysia để chống khai thác IUU, bảo đảm an ninh, an toàn cho ngư dân khai thác hải sản hợp pháp.

Mặc dù, công tác thực thi pháp luật, chống khai thác IUU đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng theo đánh giá của EC vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý có giảm mạnh nhưng chưa chấm dứt với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp.

Bên cạnh đó, điều kiện thực thi pháp luật của lực lượng kiểm ngư (đặc biệt là kiểm ngư địa phương) còn hạn chế. 6/28 tỉnh, thành phố ven biển chưa kiện toàn lực lượng kiểm ngư địa phương; tổ chức bộ máy ở kiểm ngư địa phương chưa được thống nhất, số lượng còn thiếu so với yêu cầu.

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, Cục Kiểm ngư tiếp tục phối hợp duy trì lực lượng, phương tiện trực, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, trọng tâm là các vùng biển giáp ranh, chồng lấn, chưa phân định; bảo vệ, hỗ trợ ngư dân đánh bắt hợp pháp; kiên quyết ngăn chặn, xử lý tàu cá, ngư vi phạm khai thác IUU, trọng tâm là ngăn chặn tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, phát động và triển khai đợt cao điểm về tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính để tạo chuyển biến và có kết quả tốt nhất làm việc với Thanh tra của EC khi đến thanh tra lần thứ 5 và chào mừng kỷ niệm 10 năm ngày ra mắt lực lượng Kiểm ngư Việt Nam vào tháng 4/2024.

Xây dựng kế hoạch thực hiện quyết liệt

Tại cuộc họp, đại diện các tỉnh, thành, ban ngành đã phản ánh những tồn tại và khó khăn hiện nay như lực lượng kiểm ngư ở các địa phương còn rất mỏng (khoảng 5 người/tỉnh, thành) mà công việc lại rất nhiều từ trên bờ đến trên biển, do đó chưa đảm bảo về mặt chất lượng công việc. Bên cạnh đó, các phương tiện hiện có không đáp ứng đủ yêu cầu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, chỉ hoạt động được ở vùng biển ven bờ với số ngày hạn chế vì tàu nhỏ (hạn chế cấp III), không hoạt động được dài ngày để có thể bám biển kiểm soát tình hình hoạt động tàu cá.

Theo ông Nguyễn Hữu Thi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, từ đầu năm đến nay, Chi cục Thủy sản đã tổ chức 14 chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên sông, biển (mỗi chuyến khoảng 9 ngày) và 2 đợt tổ chức thực hiện chốt liên ngành trên biển kiểm tra, kiểm soát tàu cá đợt cao điểm chống khai thác IUU. Đặc biệt chú trọng tuần tra các vùng biển ven bờ, vùng nội địa và các vùng biển giáp ranh tỉnh Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh, trung bình tổ chức 2 chuyến tuần tra trên biển/tháng.

Hàng ngày, Chi cục Thủy sản duy trì chế độ trực 24/24 đối với hệ thống giám sát tàu cá tại trạm bờ, thống kê các trường hợp tàu cá mất kết nối trên 6 giờ, gửi tin nhắn trực tiếp đến các chủ tàu, thuyền trưởng. Đồng thời ban hành văn bản gửi các địa phương để thông báo kịp thời đến các chủ tàu, thuyền trưởng chủ động kiểm tra, khắc phục lỗi mất kết nối (hoặc thông báo cho nhà cung cấp để khắc phục, sữa chữa), nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất các trường hợp tàu cá mất kết nối trên 10 ngày và nguy cơ vượt ranh giới trên biển. Nhờ đó, trong năm 2023 Chi cục đã phát hiện 154 trường hợp tàu mất kết nối trên 10 ngày khi đang hoạt động trên biển, thông báo kịp thời cho các chủ tàu cá, thuyền trưởng khắc phục được 149 trường hợp khắc phục đã kết nối trở lại

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung khẳng định công tác chống khai thác IUU để gỡ cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu trong lần thanh tra tới (dự kiến vào tháng 4/2024) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2024. Các đơn vị ban ngành, địa phương, đặc biệt là Cục Kiểm ngư cần xây dựng kế hoạch thực hiện, phối hợp một cách bài bản và quyết liệt.

          Thảo Nguyên (Nguồn Báo Bà Rịa – Vũng Tàu)