Giá heo hơi bất ngờ tăng chạm mốc 60.000đ/kg

12/05/2022 - 11:10 | Giá cả, thông tin thị trường

Theo ghi nhận của chúng tôi tại trung tâm bán heo CP (xã Nghĩa Thành – huyện Châu Đức) thì giá heo hơi xuất đi từ ngày 11/5/2022 tăng từ 1.000-3.000đ/kg chạm mốc 60.000đ/kg. Đây cũng là xu hướng tăng chung của cả nước. Điều này khiến người chăn nuôi cũng bớt được khó khăn phần nào sau một thời gian dài cầm cự do chi phí giá thành sản xuất tăng cao. Tuy nhiên, mức giá này so với cùng thời điểm năm 2021 vẫn thấp hơn 10.000 -15.000đ/kg. Lý giải cho nguyên nhân khiến giá heo tăng được các chuyên gia phân tích thị trường nhận định do 02 yếu tố cơ bản.

               Thứ nhất, thời gian qua các địa phương mở cửa trở lại nhà hàng, trường học, nhà máy, doanh nghiệp đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thịt tăng cao, giúp giá heo hơi trong nước có xu hướng tăng. Thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm thịt dự kiến sẽ tiếp tục tăng do Việt Nam mở cửa du lịch và các hoạt động trở lại trạng thái bình thường. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 2 châu Á (sau Trung Quốc) về tiêu thụ thịt heo trong năm 2022, với con số khoảng 3,4 triệu. Tốc độ tăng trưởng hàng năm cho nhu cầu tiêu dùng thịt heo cảu Việt Nam được dự đoán với mức tăng là 3,1% trong giai đoạn 2022-2030.

          Thứ hai, do giá thành nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) tăng cao khiến giá thức ăn chăn nuôi được tiếp tục điều chỉnh tăng theo từ ngày 01/5/2022 (điều chỉnh tăng lần thứ 4 từ đầu năm 2022 đến nay) với mức mức tăng 400 đồng/kg tương đương với 10.000 đồng/1 bao cám. Trong thời gian tới dự kiến còn tiếp tục tăng do Việt Nam mới chủ động được 35% nguồn nguyên liệu cho sản xuất TACN có nghĩa rằng 65% nhập từ nước ngoài. Tình hình chiến sự Nga – Ukraine cũng ảnh hưởng đến nguồn cung thức ăn chăn nuôi thế giới do Nga và Ukraine chiếm khoảng 29% khối lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu và 19% xuất khẩu ngô. Trong niên vụ sắp tới, những vùng bị tàn phá do chiến sự Nga và Ukraine thì người nông dân trồng trọt tại đây họ cũng sẽ không tiếp tục sản xuất được. Trong khi đó, một số nước có nguồn cung lớn đang bị ảnh hưởng bởi hạn hán như Brazil, Mỹ đang diễn ra cực kì nghiêm trọng ảnh hưởng đến năng suất ngô và lúa mì đẫn đến nguồn cung lúa mì, ngô sắp tới có thể sẽ trở nên thắt chặt hơn nữa. Mặc dù cuối năm 2021, Bộ Tài chính đã giảm thuế tối huệ quốc (MFN) đối với lúa mì từ 3% xuống còn 0% và ngô từ 5% xuống 2% nhằm giảm gánh nặng chi phi đầu vào.Tuy nhiên, mức giảm này không đủ để hạ nhiệt chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi, bởi việc giảm thuế này chỉ giúp chi phí sản xuất TACN giảm 0,5 - 1%. Các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đang kiến nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục đề xuất với Chính phủ giảm thêm thuế nhập khẩu, hỗ trợ cho doanh nghiệp.

                                            Hạnh Nguyễn – Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh