Dự kiến thu hút đầu tư gần 100 triệu đô la vào hoạt động chăn nuôi, thú y trên địa bàn tỉnh.

24/04/2023 - 09:27 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Trên địa bàn tỉnh đã có 47 doanh nghiệp hoạt động liên quan đến chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, giết mổ, sơ chế sản phẩm động vật và thuốc thú y; đảm bảo đủ khả năng cung cấp giống vật nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và nhu cầu về sản phẩm động vật cho người chăn nuôi, người tiêu dùng. Giai đoạn 2023 - 2025, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phấn đấu hỗ trợ thu hút đầu tư gần 100 triệu đô la vào hoạt động chăn nuôi, thú y trên địa bàn tỉnh.

ĐỦ KHẢ NĂNG CUNG ỨNG GIỐNG HEO, GIA CẦM VÀ NGUYÊN LIỆU SẢN XUẤT THỨC ĂN CHĂN NUÔI

Trong 47 doanh nghiệp hoạt động sản xuất có liêu quan đến lĩnh vực chăn nuôi, thú y thì có đến 34 doanh nghiệp chăn nuôi heo, gia cầm, trâu bò; 4 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi; 01 doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y và 8 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giết mổ động vật, sơ chế sản phẩm động vật.

Theo số liệu thống kê, khoảng 180 triệu đô la đã được các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động chăn nuôi, thú y trên địa bàn tỉnh. Đây là tín hiệu khả quan góp phần đảm bảo đủ khả năng cung cấp các loại giống heo cao sản thương phẩm, giống gia cầm chất lượng cao và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi cho nhu cầu của người chăn nuôi trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận. Đặc biệt, với 160 triệu đô la đã được đầu tư vào sản xuất và cung ứng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, Công ty TNHH Kinh doanh Nông sản Việt Nam đã trở thành công ty cung cấp các sản phẩm như bã đậu nành, khô đậu nành, lecithin đậu nành, vỏ đậu nành phục vụ cho sản xuất thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi lớn nhất khu vực Đông Nam Á với sản lượng 3 triệu tấn nguyên liệu các loại/năm. Bên cạnh đó, 8 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giết mổ động vật, sơ chế sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng được nhu cầu về giết mổ, tiêu thụ sản phẩm động vật cho người tiêu dùng và thông qua hoạt động giết mổ tập trung đã cung cấp các loại sản phẩm động vật an toàn thực phẩm, góp phần kiểm soát, giảm thiểu lây lan các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra trên động vật.

Tuy nhiên, hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có liên quan đến chăn nuôi và giết mổ trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn. Cụ thể, do quá trình phát triển đô thị hóa, công nghiệp hóa nên quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, hơn nữa do đặc thù xây dựng cơ cở chăn nuôi đòi hỏi rất nhiều điều kiện (xa khu dân cư, nguồn nước, diện tích lớn, ...) do đó, nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn khi tìm kiếm địa điểm đầu tư hoặc mở rộng sản xuất. Chi phí đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ là khá lớn nhưng khả năng rủi ro khá cao và thời gian thu hồi vốn chậm. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi mới chỉ dừng lại tại công đoạn cung cấp nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi hoặc sản xuất thức ăn hỗn hợp để tiêu thụ nội bộ nên đã chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu cung cấp thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và phần lớn vẫn phải nhập từ các tỉnh khác về đã làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến thu nhập của người chăn nuôi.

HỖ TRỢ, THU HÚT 70 TRIỆU ĐÔ LA VÀO HOẠT ĐỘNG CHĂN NUÔI, THÚ Y

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp an tâm đầu tư phát triển bền vững, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, hình thành các vùng nguyên liệu cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, tăng thu nhập cho người chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã triển khai rất nhiều các giải pháp để giám sát chặt chẽ dịch bệnh, hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động cung ứng con giống, thức ăn chăn nuôi, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, tổn thất kinh tế cho người chăn nuôi. Ông Nguyễn Xuân Trung, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết.

Một trong những nhiệm vụ cụ thể và trọng tâm được chú trọng thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2025 đó là Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường phối hợp với các ban ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiều công tác hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y trên địa bàn tỉnh như: Tổ chức các hội thảo, tập huấn để tuyên truyền các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, thú y. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy hoạch các vùng khuyến khích chăn nuôi, địa điểm giết mổ, khu công nghệ cao, ... để công bố, giới thiệu doanh nghiệp biết. Hướng dẫn, thẩm định công nhận các cơ sở chăn nuôi đạt cơ sở an toàn dịch bệnh, cơ sở giết mổ an toàn thực phẩm, cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi và phối hợp các ban ngành kiểm tra, thẩm định, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.

Thông qua các hoạt động này, dự kiến đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh sẽ thu hút, đầu tư thêm hoạt động của các doanh nghiệp, cụ thể sẽ có 10 đến 15 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, với số lượng vật nuôi từ 40 đến 80 nghìn con heo và 1,2 đến 1,5 triệu con gia cầm; đầu tư mới 2 cơ sở sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh và nâng cấp, xây dựng mới 3 đến 5 cơ sở giết mổ, sơ chế sản phẩm động vật.

Thịnh Đức Minh

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu