Dự báo ngành chăn nuôi năm 2024

12/01/2024 - 09:46 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Tóm tắt ngành chăn nuôi 2023 Năm 2023 là một năm nhiều sóng gió và khó khăn của kinh tế thế giới khi phải đối mặt với một loạt thách thức, từ sụt giảm tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nợ xấu gia tăng, kim ngạch thương mại - đầu tư ảm đạm, cho tới những hệ lụy không mong muốn của bất ổn địa chính trị và các thách thức an ninh phi truyền thống... Trong nước, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 và giai đoạn 2021-2025. Nhờ cách tiếp cận toàn diện về quản lí kinh tế vĩ mô, giúp đưa nền kinh tế vượt qua các thách thức của bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay. Tăng trưởng kinh tế từng bước được phục hồi, quý sau cao hơn quý trước, nhiều bứt phá trong cải thiện cơ cấu kinh tế; có sự gia tăng mạnh mẽ và sâu hơn vào một số chuỗi cung ứng mới của thế giới trong nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ công nghệ cao. Năm 2023, nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt làn sóng nhà đầu tư từ Anh, Mỹ và châu Âu mong muốn tìm kiếm cơ hội tại thị trường Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, bán lẻ, chip bán dẫn, thực phẩm, sản xuất kho bãi, tài chính ngân hàng....

              Tình hình chăn nuôi cả nước

          Năm 2023, giá trị tăng trưởng của ngành chăn nuôi ước đạt 5,72%; đóng góp 26% vào GDP nông nghiệp

          Về đầu con: Đàn trâu, bò trong năm không có biến động lớn, đàn trâu tiếp tục xu hướng giảm, đàn bò tăng nhẹ; chăn nuôi lợn phát triển tốt; chăn nuôi gia cầm tăng trưởng ổn định. Thời điểm cuối năm 2023, ước tính tổng số đàn lợn đạt 26,3 triệu con (chưa tính khoảng hơn 4 triệu lợn con theo mẹ), tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022; đàn trâu 2,2 triệu con, giảm 1,0%; đàn bò 6,4 triệu con tăng 0,6%; đàn gia cầm 558,9 triệu con, tăng 3,3% so với cùng thời điểm 2022.

          Về sản lượng: Sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,79 triệu tấn, tăng 6,38% so với năm 2022; trong đó thịt lợn hơi 4,87 triệu tấn, tăng 7,2%; thịt gia cầm hơi đạt 2,31 triệu tấn, tăng 6,0%; thịt trâu 120,4 nghìn tấn, tăng 0,2%; thịt bò 493,2 nghìn tấn, tăng 2,5%. Sản lượng sữa tươi 1,17 triệu tấn, tăng 3,6%; trứng 19,2 tỷ quả, tăng 5,2%. Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi 20 triệu tấn, giảm 2,4% so với cùng kỳ.

          Về chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi:

          Năm 2023, cả nước có 12.349 trang trại chăn nuôi, chiếm 62,8% (trong tổng số 19.660 trang trại nông nghiệp – theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP); các địa phương đã phê duyệt 489 dự án chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm. Cả nước có 17 tỉnh, thành phố có mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ với trên 75 nghìn con; sản lượng thịt hơi gần 7.000 tấn. Năm 2023, cả nước có 4.882 trang trại và hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP (tăng 1.034 trang trại và hộ chăn nuôi).

          Về xuất – nhập khẩu:

           Năm 2023, Việt Nam ước nhập khoảng 116 nghìn tấn thịt lợn (chiếm 3% tổng tiêu thụ thịt lợn trong nước); 239,7 nghìn tấn thịt gia cầm (chiếm 11,8%); 192,3 nghìn tấn thịt trâu, bò (chiếm 37,5% tổng tiêu thụ thịt trâu, bò trong nước). Tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2023 đạt 3,53 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm 2022. Tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi năm 2023 đạt 515 triệu USD, tăng 26,2% so với năm 2022. Tổng giá trị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi ước đạt ~ 5 tỷ USD giảm 10,8 so với năm 2022.

          Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

  Tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi cả năm 2023 đạt 4,73%, vượt chi tiêu kế hoạch đề ra là 4,20%.

Về tổng đàn : Tổng đàn heo 400.000 con, tăng 4,2% so cùng kỳ; Tổng đàn gia cầm 6,7 triệu con, tăng 3,1% so cùng kỳ; Tổng đàn trâu bò 55.471 con, tăng 4,8% so cùng kỳ; Tổng đàn dê, cừu 97.000 con, tăng 2,1% so cùng kỳ.

  Về sản lượng thịt hơi các loại 111.222 tấn, tăng 4,59% so cùng kỳ, trong đó: Thịt heo 73.200 tấn, tăng 5,3%; Thịt gia cầm 28.030 tấn, tăng 2,69%;  Thịt trâu, bò 6.766 tấn, tăng 4,4%; Thịt dê, cừu 3.226 tấn, tăng 5,3%. Trứng gia cầm: 245 triệu quả, tăng 11% so với cùng kỳ.

         

             Dự báo ngành chăn nuôi năm 2024

          Đối với năm 2024, hầu hết các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng toàn cầu tiếp tục suy giảm và đạt mức thấp hơn năm 2023, do vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro khi cuộc chiến giữa Nga và Ucraina ngày càng căng thẳng, phức tạp, lan rộng, khó lường với sự can dự ngày càng rõ của nhiều nước, nhiều nền kinh tế lớn; khả năng phục hồi chậm và nguy cơ suy thoái kinh tế của các nền kinh tế lớn vẫn hiện hữu; sản xuất, xuất nhập khẩu sản phẩm đến các thị trường lớn như EU, Hoa kỳ; Trung Quốc ... tiếp tục khó khăn; giá NVL tiếp tục cao do lạm phát ở các thị trường nhập khẩu.

          Đánh giá những thuận lợi, khó khăn, ngành chăn nuôi Việt Nam đặt mục tiêu năm 2024 giá trị sản xuất tăng khoảng 4-5% so với năm 2023, tỷ trọng chăn nuôi trong tổng thể ngành nông nghiệp ước đạt 28-30% (đối với ngành hẹp đạt mức từ 33-34%). Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 7,89 triệu tấn, tăng 3,8%; sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 4,87 triệu tấn tăng 4,0%; sản lượng thịt gia cầm đạt trên 2,31 triệu tấn tăng 3,1%; sản lượng trứng các loại khoảng 19,68 tỷ quả tăng 3,7%; sản lượng sữa đạt trên 1,28 triệu tấn tăng 6,7%; sản lượng mật ong là 25,8 ngàn tấn tăng 9,8%; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi đạt trên 20,5 triệu tấn, tăng 2,5% so với năm 2023.

          Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh Ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt là chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, các chủ thể sản xuất kinh doanh có điều kiện thuận lợi để ra nhập thị trường, phát triển sản xuất kinh doanh đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh; chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện các dự án đầu tư công, không để trì trệ, dở dang, kéo dài, gây lãng phí nguồn lực của dân; sự nỗ lực của các sở, ban, ngành, sự năng động sáng tạo của Doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh; Với đà tăng trưởng trong quý IV năm 2023 và đặc biệt là những dự án lớn như Hóa dầu Long Sơn đi vào hoạt động cho sản phẩm (có kế hoạch sản xuất ước 33.825 tỷ đồng); Hyosung Vina được tạo điều kiện tốt để phát triển sản xuất kinh doanh, triển khai các dự án mới với kế hoạch năm 2024 là 22.005 tỷ đồng, vào hoạt động chúng ta có thể duy trì đà tăng trưởng cao trong quý 1/2024 và những quý tiếp theo của năm 2024; và khi sản xuất phục hồi, việc làm, thu nhập của người lao động tăng lên, nhu cầu hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng tăng lên sẽ kéo theo và tạo ra những động lực mới đối với phát triển các ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ vận tải, cảng biển, kho bãi; dịch vụ du lịch; bán buôn, bán lẻ; và có thể cả ngành kinh doanh bất động sản sẽ có những cơ hội phát triển;

          Với những thông tin trên, Ngành chăn nuôi tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đặt mục tiêu năm 2024: Tốc độ tăng GTSX chăn nuôi 4,32% so với năm 2023; Sản lượng thịt hơi các loại 115.874 tấn, tăng 4,2% so năm 2023; Tỷ lệ giá trị sản phẩm chăn nuôi được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt 27,35%; Tỷ lệ giá trị sản phẩm chăn nuôi được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt 16,26%; Tỷ lệ giá trị sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao đạt 40,58%.

          Các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng vượt chỉ tiêu đề ra năm 2024:

          Tiếp tục cơ cấu lại ngành chăn nuôi, chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm (trọng tâm là tăng gà lông màu, vịt đẻ trứng) và gia súc lớn, tạo sản phẩm an toàn; thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tái đàn heo. Dự kiến quy mô đàn vật nuôi năm 2024: Đàn heo 415.000 con, tăng 3,8% so năm 2023; đàn gia cầm đạt 6,96 triệu con, tăng 4%; đàn trâu bò 57.293 con, tăng 3,8%; đàn dê cừu 101.000 con, tăng 4,1%. Sản lượng thịt hơi các loại 115.874 tấn, tăng 26 4,2% so năm 2023, trong đó: Thịt heo 76.311 tấn, tăng 4,3%; thịt gia cầm 29.207 tấn, tăng 4,2%; thịt trâu bò 6.994 tấn, tăng 4%; thịt dê cừu 3.362 tấn, tăng 4,2%; trứng gia cầm 265 triệu quả, tăng 8,2%.

Chủ động phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, nhất là dịch cúm gia cầm, LMLM gia súc, heo tai xanh, Dịch tả heo Châu Phi và các loại dịch bệnh nguy hiểm 19 khác. Đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 85% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng và trên 70%/tổng đàn, tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng trên 72%. Tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh đi đôi với phát triển chăn nuôi an toàn sinh học nhằm phát triển đàn vật nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm trong chăn nuôi.

 Tiếp tục thực hiện di dời, chấm dứt hoạt động chăn nuôi tại các trang trại chăn nuôi ngoài quy hoạch. Sắp xếp các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm vào các khu vực quy hoạch khu giết mổ tập trung.

 Phối hợp các địa phương chuyển dịch từ sản xuất chăn nuôi hướng thịt sang sản xuất con giống cung cấp cho thị trường, tạo ra giá trị sản xuất chăn nuôi cao như về giống heo tiếp tục nghiên cứu, lai tạo và khảo nghiệm công thức lai tối ưu tạo con lai thương phẩm 3 máu ngoại, góp phần cải thiện năng suất đàn heo và nâng cao chất lượng; hỗ trợ tích cực cho chương trình xây dựng thương hiệu, sản phẩm chăn nuôi sản xuất theo chuỗi và truy xuất được nguồn gốc. Chú trọng việc bảo tồn, khai thác đặc điểm sinh học quý của các nguồn gen, giống bản địa nhằm tạo ra các sản phẩm giống mang thương hiệu quốc gia

Tiếp tục rà soát, lựa chọn địa điểm để giới thiệu, kêu gọi, thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích các cơ sở chăn nuôi gắn với giết mổ, chế biến, để tạo sự ổn định về giá cả, nguồn hàng hóa và tạo thương hiệu cho sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường.

                                                                  Hạnh Nguyễn – Chi cục CNTY