Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần khai thác tối đa lợi thế có được từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới

26/02/2021 - 08:20 | Giá cả, thông tin thị trường

Một loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang tính bao trùm hơn đã được ký kết, trong đó mới nhất là UKVFTA, đã tạo ra động lực tăng trưởng mới cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam với những thuận lợi về thương mại, ưu đãi thuế quan. Các doanh nghiệp cần tận dụng thời cơ khai thác tối đa lợi thế có được để thúc đẩy xuất khẩu trong năm 2021.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) đã được ký kết trong năm 2020, dự kiến sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2021. Hiệp định FTA này được nhận định mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho hàng loạt mặt hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam vào thị trường Anh giàu tiềm năng. Với cam kết có được từ Hiệp định UKVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) của Việt Nam vào Anh được giảm từ mức thuế cơ bản 10-20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các nhóm hàng có lợi thế sớm nhất trong nhóm thủy, hải sản là tôm và một số loại cá (cá tra). Theo đó, những ngành chế biến tôm và cá tra sẽ có cơ hội thúc đẩy kim ngạch XK cũng như có triển vọng thu hút đầu tư để tận dụng các cam kết này. Mặt khác, với Hiệp định UKVFTA, Việt Nam sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ mạnh đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Myanmar. Đây là những nước không có triển vọng ký kết FTA với Anh trong nhiều năm tới. Ngoài ra, Việt Nam còn có thêm cơ hội mở rộng nguồn cung hàng hóa; mở rộng hợp tác đầu tư và chuyển giao công nghệ.

Đối với lĩnh vực thủy sản, Anh hiện chiếm trên 4% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Đáng lưu ý là năm 2020 dù Anh đã ra khỏi EU, nhưng xuất khẩu các sản phẩm thủy sản sang thị trường này vẫn được hưởng thuế theo cơ chế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đến hết năm 2020. “Do đó, việc kết thúc đàm phán Hiệp định UKVFTA có vai trò đảm bảo thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh không bị gián đoạn sau khi giai đoạn chuyển tiếp của tiến trình Brexit kết thúc”. Năm 2020, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Anh đạt khoảng 355 triệu USD, trong đó, tôm, cá tra, cua, ghẹ và các loại cá biển là những sản phẩm đạt mức tăng trưởng tích cực. Đặc biệt, sản phẩm cá tra chế biến tăng trưởng tốt, gấp hơn 15 lần so với năm 2019.

Có thể nói, cùng với Hiệp định EVFTA, hiệp định UKVFTA mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2021. Để tận dụng hết những cơ hội có được từ các Hiệp định trên, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam phải nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản thông qua chất lượng và giá cả; xây dựng và bảo vệ thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh và năng lực sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm thủy sản. Đặc biệt, doanh nghiệp cần tự giác thực hiện nghiêm túc, tuân thủ chặt chẽ quy định về truy xuất nguồn gốc; kiểm tra, giám sát việc sử dụng thuốc kháng sinh trong sản xuất, chế biến; kiểm dịch thủy sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để có sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm xã hội, chú ý đến vấn đề phát triển bền vững được đề cập tại UKVFTA và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Cụ thể, doanh nghiệp cần lưu ý các nguyên tắc, tiêu chuẩn về lao động, bảo vệ môi trường và những nội dung khác rất được phía đối tác quan tâm. Mới đây, nhằm đảm bảo việc xuất khẩu thủy sản sang thị trường Vương quốc Anh được thuận lợi, đúng quy định, mới đây, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã có công văn gửi các doanh nghiệp những lưu ý cần thiết. Cụ thể, theo thông báo của Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Vương quốc Anh (Defra) thì trình tự, thủ tục chứng nhận thủy sản và sản phẩm thủy sản dùng làm thực phẩm tại Việt Nam để xuất khẩu vào Vương quốc Anh không thay đổi so với hiện nay cho đến ngày 31/3/2021, tuy nhiên, Defra cập nhật một số thay đổi liên quan đến kiểm soát nhập khẩu động vật sống và sản phẩm động vật về: Ghi nhãn thực phẩm; Mẫu chứng thư; Thông báo trước khi lô hàng tới cửa khẩu; Việc công nhận sản phẩm hàng hóa nước thứ 3; Các đầu mối liên hệ tại Vương quốc Anh.

Do vậy, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và Thủy sản đề nghị các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu vào Vương quốc Anh có thể thêm yêu cầu kỹ thuật chi tiết về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào thị trường này để tổ chức thực hiện trong quá trình sản xuất, chế biến xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh, đặc biệt việc thực hiện thông báo trước khi lô hàng đến cảng nhập khẩu theo hệ thống nhập khẩu sản phẩm, động vật, thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (IPAFFS) thay thế cho hệ thống TRACENT hiện nay. Defra cũng cho biết, tiếp tục chấp thuận mẫu chứng thư cho thủy sản và sản phẩm thủy sản dùng làm thực phẩm xuất khẩu vào Great Britain (bao gồm Anh, xứ Wales và Scotland) theo quy định hiện hành của EU (Quy định EU dố 2019/628) đến ngày 31/3/2021 và áp dụng bắt buộc chứng nhận theo mẫu mới được đăng tải trên website theo địa chỉ: https://www.gov.uk/government sau thời hạn nêu trên, do vậy, các Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng chỉ cấp chứng thư mới trong trường hợp doanh nghiệp đề nghị trên cơ sở nhà nhập khẩu có yêu cầu.

Kim Khánh