Đánh giá chung về tình hình phát triển sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh năm 2021 và Định hướng phát triển năm 2022

10/12/2021 - 07:55 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Năm 2021, ngành chăn nuôi của tỉnh triển khai thực hiện kế hoạch trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như xuất vẫn nhỏ lẻ, hạ tầng còn yếu kém, kết gắn theo chuỗi tỷ lệ chưa cao, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến sản xuất- kinh doanh, cũng như tiêu thụ. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn, thiên tai khó lường, hạn hán và xâm nhập mặn được dự báo tiếp tục tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 làm sản xuất, lưu thông, xuất khẩu còn có những khó khăn về:

- Nguồn vốn: Phần lớn người sản xuất, doanh nghiệp gặp khó khăn, thiếu hụt vốn để duy trì sản xuất kinh doanh do tồn đọng nhiều sản phẩm không tiêu thụ được, lưu thông hàng hóa khó khăn nên sản phẩm quá lứa, ứ đọng tại chuồng còn cao; chi phí sản xuất phát sinh quá lớn, nhiều cơ sở SX khó khăn trong việc duy trì sản xuất, thậm chí một bộ phận người dân, cơ sở phải dừng sản xuất, kinh doanh do không đủ nguồn lực để chi trả các khoản vay đến hạn, tái SX; việc tiếp cận các khoản vay mới từ các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn.

- Lưu thông: Trong thời gian qua dưới sự chỉ đạo của CP, TTg, các bộ ngành có nhiều văn bản hướng dẫn kịp thời, tháo gỡ khó khăn, ách tắc,…, vận chuyển lưu thông hàng hóa đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hóa, vật tư, sản phẩm ra vào khu vực sản xuất vẫn gặp khó khăn tại các huyện, xã; việc hướng dẫn di chuyển, đi lại cho người lao động tại một số địa phương còn chưa sát thực tế. Một số chốt kiểm tra ở một vài thời điểm vẫn bị ùn tắc giao thông dẫn đến vận chuyển hàng tươi sống không được thuận lợi.

- Chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao: Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển vật tư, sản phẩm ra vào khu vực sản xuất, nơi các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Chi phí vận tải tăng cao, việc thực hiện hướng dẫn cấp giấy đi đường cho người lao động, hướng dẫn tại một số địa phương còn chưa sát thực tế, gây khó khăn cho các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất.

- Khâu chế biến hoặc sơ chế chịu sự quản lý chặt về điều kiện sản xuất, gây tắc nghẽn hoạt động sản xuất kinh doanh; phát sinh các chi phí chăn nuôi khi không xuất chuồng được; giá TACN (chiếm 65-70% giá thành sản phẩm) và thuốc thú y ngày một tăng cao từ 16-30% và vẫn tiếp tục tăng; mức độ tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm (ngoại trừ mặt hàng trứng gia cầm) gặp rất nhiều khó khăn trong vận chuyển, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm giảm nhiều (khối khu công nghiệp, trường học, bếp ăn tập thể, khách sạn, nhà hàng không hoạt động; một số nhà máy giết mổ, chế biến có người bị Covid phải đóng cửa...) đặc biệt là các tỉnh có nhu cầu tiêu thụ lớn như TPHCM, Bình Dương (vì sản phẩm chăn nuôi của tỉnh xuất tỉnh khá nhiều); mức độ tiêu thụ thực phẩm giảm 30 - 40%; trang trại và hộ chăn nuôi hạn chế tái đàn (giảm ấp nở đến 70%) vì giá tiêu thụ sản phẩm thấp, giá đầu vào tăng.

- Một số dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại như cúm gia cầm, Dịch tả heo Châu Phi và các bệnh mới nổi như bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò…gây phát sinh tăng chi phí sản xuất cà ảnh hưởng đến quá trình phục hồi, tăng trưởng chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, toàn ngành vẫn đạt được những kết quả nhất định, tổng GTSX ngành chăn nuôi là 3.775 tỷ đồng, tăng 3,41% so với năm 2020. Toàn tỉnh có khoảng 91.424 cơ sở, hộ chăn nuôi gia súc gia cầm: 52.436 con trâu, bò/13.598 hộ, cơ sở chăn nuôi; 412.740 con heo/10.227 hộ, cơ sở chăn nuôi heo; 7.103.200 con gia cầm (gà, vịt, ngan)/57.174 hộ, cơ sở chăn nuôi; 136.742 con dê, cừu/10.425 hộ chăn nuôi. So với năm 2020, tổng đàn heo tăng 3,1% (đạt 370.050 con), tổng đàn gia cầm tăng 1,6% (đạt 6,3 triệu con), tổng đàn trâu bò tăng 4% (đạt 52.474 con), tổng đàn dê cừu tăng 3,5% (đạt 92.000 con). Tỷ lệ giá trị sản phẩm chăn nuôi được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương là 12%, tăng 3,7% so năm 2020. Tỷ lệ cơ sở sản xuất chăn nuôi heo xử lý chất thải bằng biogas hoặc các giải pháp công nghệ xử lý, sử dụng hiệu quả sạch là 52,7%, tăng 13,3% so năm 2020. Trong năm, đã phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện Đề án di dời, chấm dứt hoạt động các cơ sở chăn nuôi ngoài quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường, UBND các địa phương đã thực hiện chấm dứt, di dời 41 trang trại, trong đó: 26 trang trại heo và 15 trang trại gà.

Định hướng phát triển năm 2022: Tốc độ tăng GTSX chăn nuôi 4,0% so với năm 2021. Tỷ lệ giá trị sản phẩm chăn nuôi được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương là 14%, tăng 02% so năm 2021. Tỷ lệ giá trị sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao đạt 35%, tăng 02% so năm 2021. Tỷ lệ giá trị sản phẩm chăn nuôi được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt 25,5%, tăng 01% so năm 2021.

Nhiệm vụ và giải pháp: 

- Tiếp tục cơ cấu lại ngành chăn nuôi, chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm (trọng tâm là tăng gà lông màu, vịt đẻ trứng) và gia súc lớn, tạo sản phẩm an toàn; thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tái đàn heo. Dự kiến quy mô đàn vật nuôi năm 2022: Đàn heo 385.000 con, tăng 4% so năm 2021; đàn gia cầm 6,5 triệu con, tăng 3,2%; đàn trâu bò 55.098 con, tăng 5% so năm 2021; đàn dê cừu 95.000 con, tăng 3,3% so năm 2021.

- Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi hoạt động chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tiếp tục mở rộng chăn nuôi áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP; phấn đấu tăng tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao từ 29,9% hiện nay lên 34,5%.

- Chủ động phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, nhất là dịch cúm gia cầm, LMLM gia súc, heo tai xanh, Dịch tả heo Châu Phi và các loại dịch bệnh nguy hiểm khác. Đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 85% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng và trên 70% so tổng đàn, tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng trên 80%.

- Tiếp tục thực hiện di dời, chấm dứt hoạt động chăn nuôi tại các trang trại chăn nuôi ngoài quy hoạch. Sắp xếp các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm vào các khu vực quy hoạch khu giết mổ tập trung; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở giết mổ với quy trình giết mổ công nghiệp, hiện đại, tham gia chuỗi liên kết từ chăn nuôi - giết mổ - sơ chế, chế biến - phân phối, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và hướng tới xuất khẩu.

                                Phòng Nghiệp vụ Thú y – Chi cục Chăn nuôi và Thú y