Cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ sau thu hoạch

11/11/2022 - 08:18 | Văn bản quy phạm pháp luật

Ngày 01/11/2022, UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 3389/QĐ-UBND về phê duyệt Dự án cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo đó, lĩnh vực thủy sản phấn đấu tàu cá đóng mới bằng các vật liệu mới thay thế vật liệu gỗ như tàu vỏ thép, tàu composite và một số vật liệu ứng dụng cơ giới hóa trên tàu cá khai thác xa bờ; các tàu cá khai thác thủy sản xa bờ được trang bị hầm bảo quản lạnh hợp lý theo điều kiện quản lý sản phẩm của từng tàu; 50% tàu hiện có và 100% tàu đóng mới lắp đặt thiết bị cơ giới hóa hoạt động khai thác thủy sản của từng loại nghề chủ lực như quy trình thả, thu lưới (dây), thu cá, bảo quản sản phẩm, tời thu lưới, hệ thống chuyển động bằng thủy lực…;

          Hướng tới sản lượng thủy sản khai thác được thu mua bằng tàu dịch vụ hậu cần nghề cá với đầy đủ các trang thiết bị bảo quản như sản xuất đá vảy bằng nước biển, công nghệ đá sệt, công nghệ đá nanô UFB; hầm bảo quản bằng PU, hệ thống cấp đông (nhiệt độ từ -40oC đến – 70oC); áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, hiện đại hóa tàu cá; giảm tổn thất sau thu hoạch dưới 15%; chú trọng phát triển tàu khai thác hải sản xa bờ; tổ chức khai thác kết hợp bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản đồng thời tuân thủ các quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm, chống khai thác thủy sản bất hợp phát, không báo cáo và không theo quy định.

          Đối với lĩnh vực trồng trọt phấn đấu đạt 90 - 95% diện tích gieo trồng được làm đất bằng máy, trong đó, cây rau thực phẩm và cây lúa 100%, cây hồ tiêu, cà phê (vườn hỗn hợp) 75% và cây ăn quả 80 – 85%; 75 - 80% diện tích gieo trồng (cây trồng cạn, cần tưới) được tưới nước bằng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước;

          100% diện tích gieo trồng được phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy, trong đó, 50% sử dụng bình bơm có động cơ và 50% sử dụng phương pháp mới (rô bốt, điều khiển từ xa); 45 – 50% sản lượng sản phẩm được sơ chế, bảo quản sau thu thu hoạch, trong đó, rau thực phẩm 60%, trái cây các loại 30%, hồ tiêu 50%, lúa 90%. 

          Lĩnh vực chăn nuôi phấn đấu đạt 70% - 90% chuồng trại của các trang trại và doanh nghiệp chăn nuôi được xây dựng theo công nghệ chuồng kín (hay còn gọi là chuồng lạnh), còn lại là chuồng hở, thông gió tự nhiên; 30% số trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi chủ động phối trộn thức ăn chăn nuôi bằng máy; 80% quy mô đàn vật nuôi được cho ăn, uống tự động và bán tự động;

          100% trang trại và doanh nghiệp chăn nuôi heo có hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi, 50% số trang trại và doanh nghiệp chăn nuôi gà sử dụng máy ép phân; 85 – 90% vật nuôi được giết mổ tại cơ sở giết mổ gia súc gia cầm theo quy hoạch của tỉnh, trong đó, có 40 – 45% gia súc gia cầm được giết mổ bằng công nghệ giết mổ tập trung theo công nghệ an toàn sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái.

          Trong quá trình thực hiện Dự án cần xây dựng và triển khai một số mô hình như: tàu thu mua hải sản trên biển có trang bị máy làm nước đá từ nước biển; cơ giới hóa, trang bị dây chuyền băng tải vật tư, sản phẩm, hàng hóa lên, xuống tàu ở cảng cá; nhà kính dùng năng lượng mặt trời kết hợp cơ giới hóa trong chế biến thủy hải sản; tưới tiên tiến, tiết kiệm nước (có hòa dưỡng chất) kết hợp phun thuốc BVTV có điều khiển từ xa cho cây hồ tiêu; nhà hỗn hợp (nhà lưới có mái bằng màng polime) và tích hợp kỹ thuật tưới tiên tiến, cơ giới hóa, tự động hóa trong các khâu canh tác, thu hoạch để trồng rau và hoa ngắn ngày...

                                                                   VTH