CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH CPTPP VÀ CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO KHÁC

29/11/2019 - 12:32 | Giá cả, thông tin thị trường

Với mục tiêu giúp doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh nắm bắt và chuẩn bị tốt các điều kiện để tham gia hiệu quả các Hiệp định thương mại tư do (FTA) trong hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh, có tầm nhìn và chiến lược dài lâu, nâng cao các tiêu chuẩn hoạt động sản xuất kinh doanh, sẵn sàng cạnh tranh và hợp tác, kết nối. Ngày 16/7/2019, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng đã ban hành Quyết định số 1804/QĐ-UBND phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các Hiệp định thương mại tự do khác. Theo Quyết định số 1804/QĐ-UBND ngày 16/7/2019 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng, định hướng các giải pháp, nội dung hỗ trợ doanh nghiệp như sau:

1. Nhóm chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng, gồm 02 nội dung hỗ trợ:

- Hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.

- Hỗ trợ doanh nghiệp thành lập/chuyển đổi từ hộ kinh doanh.

2. Nhóm chính sách hỗ trợ tiếp cận và phát triển thị trường, gồm 04 nội dung hỗ trợ:

- Hỗ trợ phát triển thị trường xuất khẩu.

- Hỗ trợ phát triển thị trường nội địa.

- Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm/doanh nghiệp.

- Hỗ trợ Xây dựng chương trình kết nối cung – cầu.

3. Nhóm chính sách hỗ trợ về khoa học công nghệ, môi trường và tiêu chuần chất lượng, gồm 05 nội dung hỗ trợ:

- Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; quản trị tài sản trí tuệ.

- Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ.

- Hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp thương mại điện tử.

- Hỗ trợ toàn diện để xây dựng và triển khai dự án nâng cao năng suất và chất lượng đối với doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh.

- Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

4. Nhóm chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gồm 04 nội dung hỗ trợ:

- Tiếp tục triển khai Chương trình bồi dưỡng kiến thức kỹ năng cho doanh nhân.

- Hỗ trợ phát triển nguồn lực cho các Chương trình mục tiêu.

- Hỗ trợ thông tin về thị trường lao động, kết nối với các tỉnh trong vùng.

- Tiếp tục triển khai các Chương trình dạy nghề trên địa bản.

5. Nhóm hỗ trợ thông tin, tư vấn về pháp lý và hội nhập, gồm 03 nội dung hỗ trợ:

- Tiếp tục triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và Phát triển các tổ chức tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp.

- Hỗ trợ trong thực hiện các thủ tục hành chính.

- Hỗ trợ tiếp cận đất đai.

6. Nhóm chính sách hỗ trợ theo ngành nghề và lĩnh vực, gồm một số chính sách phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp/thủy sản.

Trong chính sách phát triển ngành nông nghiệp/thủy sản, tập trung:

- Phát triển ngành nông nghiệp kỹ thuật cao, nông nghiệp sạch: Quy hoạch vùng phát triển nông sản hàng hóa, với loại cây trồng và quy mô phù hợp; Kiểm soát chặt chẽ các yếu tố phục vụ sản xuất từ khâu chuẩn bị sản xuất, trong sản xuất và thu hoạch, bảo quản nông phẩm; với các tiêu chuẩn kỹ thuật, quản lý được ứng dụng đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần ổn định đầu ra về số lượng, lẫn chất lượng, …

- Hỗ trợ đánh bắt hải sản xa bờ: Tăng cường phổ biến pháp luật về IUU (khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) cho ngư dân, các cá nhân và tổ chức có liên quan đến hoạt động đánh bắt thủy sản góp phần đảm bảo nguồn gốc thủy sản đánh bắt phù hợp với sổ nhật ký khai thác và dữ liệu của hệ thống giám sát tàu cá.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã phân công trách nhiệm cụ thể cho các Sở, ban, ngành và các bên có liên quan trong việc triển khai, thực hiện theo Đề án đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đề án sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động tham gia hiệu quả các FTA và khai thác lợi thế phát triển của một số ngành được định hướng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đức Thành