Cần có nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp nông dân

25/02/2022 - 15:05 | Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Nông dân là đối tượng cần được tiếp tục quan tâm để có những chính sách hỗ trợ duy trì sản xuất bền vững, quản trị cộng đồng nông thôn, an sinh xã hội…

Người nông dân là chủ thể chính được giao quyền sử dụng đất nông nghiệp, tuy nhiên, diện tích đất sử dụng bình quân mỗi hộ vẫn còn rất nhỏ và manh mún. Các hộ nông dân đóng góp nguồn lao động dồi dào cho phát triển kinh tế nông thôn nhưng trình độ, kỹ năng của lao động còn hạn chế.

Hiện nay, người dân đã chủ động trong đầu tư trang bị máy móc, thiết bị cho phát triển kinh tế nông nghiệp tuy nhiên mức đầu tư còn hạn chế và các trang thiết bị còn chưa tiên tiến, hiện đại. Các hộ nông dân cũng chủ động trong tích lũy vốn và tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, thế nhưng mức vốn đầu tư rất nhỏ, không đáng kể.

Người nông dân đã tích cực, chủ động tham gia các liên kết phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp nhưng các liên kết còn lỏng lẻo và chưa hiệu quả. Người nông dân đã đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp nước ta nhưng nghịch lý là thu nhập của đa số hộ nông dân còn chưa cao.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, người nông dân, ngoài việc là lực lượng trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, còn là những người bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống nông thôn, những người làm nên thành tựu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thời gian qua. Trước yêu cầu và áp lực của cuộc Cách mạng 4.0 và nhu cầu cấp thiết của thị trường, những chính sách hỗ trợ người nông dân hiện đang còn nhiều vướng mắc.

Thứ trưởng đặt ra những câu hỏi: Nếu muốn người nông dân tiếp tục sản xuất nông nghiệp thì cần có chính sách hỗ trợ như thế nào? Ngành nghề phi nông nghiệp và dịch vụ đang có xu hướng phát triển mạnh ở nông thôn, vậy thì cần đòi hỏi chính sách như thế nào? Hay việc người nông dân đang có xu hướng dịch chuyển lao động sang các khu công nghiệp và đô thị, chính sách nào sẽ hỗ trợ người nông dân?

“Đó là ba xu hướng đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra. Có thể chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn rất nhiều. Nhưng chúng ta cần phải đi vào từng vấn đề cụ thể mới có thể phát huy được vai trò của người nông dân. Vậy chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân sẽ phải hiểu như thế nào? Đó là những chính sách xoay quanh vấn đề sản xuất, an sinh xã hội, việc quản lý, quản trị vùng trồng của người nông dân”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam phân tích.

Đưa ra dẫn chứng cho quan điểm của mình, Thứ trưởng nhắc lại những tác động, ảnh hưởng tiêu cực của dịch tả lợn châu Phi. Khi dịch bệnh nổ ra, người bị thiệt hại nặng nhất là người nông dân. Chính vì vậy, thời điểm đó, người nông dân rất cần những chính sách hỗ trợ một cách trực tiếp để có thể duy trì chăn nuôi, sản xuất cũng như không bị áp lực bởi sự cạnh tranh, độc quyền của thị trường.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng còn rất nhiều vấn đề khác của người nông dân cần được các chính sách quan tâm nhiều hơn như an sinh nông nghiệp, bảo hiểm nông nghiệp, bảo vệ lao động, nghề nghiệp, bảo lưu kinh tế…

“Đã có những chính sách hướng trực tiếp tới người nông dân nhưng chúng ta cần hiểu rằng, người nông dân vẫn là một đối tượng mà chúng ta phải tiếp tục quan tâm, nghiên cứu để có những chính sách hỗ trợ người dân duy trì sản xuất một cách bền vững, quản trị cộng đồng nông thôn, an sinh xã hội… Theo đó, tôi đề nghị cần có những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân, đặc biệt là sản xuất, an sinh xã hội và tiếp cận tri thức, khoa học công nghệ”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nêu quan điểm.

Tấn Phước