Bà Rịa – Vũng Tàu: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất nông nghiệp và bước đầu đạt thành quả khả quan

11/01/2023 - 15:09 | Văn bản quy phạm pháp luật

Trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đang được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực của kinh tế, đời sống xã hội. Theo nhiều dự báo, cách mạng khoa học kỹ thuật hiện đại sẽ tạo ra các công nghệ hoàn toàn mới và là động lực thúc đẩy cho sản xuất phát triển theo chiều sâu, giảm đáng kể tiêu hao năng lượng và nguyên liệu, giảm tác hại cho môi trường, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển của sản xuất. Hòa cùng xu hướng toàn cầu, nông nghiệp cũng đã và đang từng bước ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hướng đến phát triển nền nông nghiệp thông minh.

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, nông nghiệp đang từng bước thúc đẩy và triển khai các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (TTNT) trong các lĩnh vực sản xuất, đặc biệt sản  xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm cải tiến thông minh hóa, tự động hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo quy trình sản xuất, xuất xứ minh bạch, cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng. Trong thời gian qua, nông nghiệp tỉnh nhà đã đạt một số kết quả đáng hoan nghênh, cụ thể:

Lĩnh vực trồng trọt:

-  Hiện nay, tổng diện tích tưới tiết kiệm trên các loại cây trồng là 15.446,6 ha, trong đó diện tích đất trồng cây hàng năm được tưới tiết kiệm nước là 2.995 ha, diện tích đất trồng cây ăn quả: 6.470,6 ha, diện tích đất trồng cây lâu năm (trừ cây ăn quả) là 5.981 ha. Hệ thống tưới tiết kiệm được lắp đặt chủ yếu trên các loại cây trồng như: Bắp, rau đậu các loại, cây ăn quả, hồ tiêu và ca cao.

-  Trên địa bàn tỉnh có 434 nông hộ, công ty, doanh nghiệp gọi chung là cơ sở nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang hoạt động; quy mô diện tích 5.648,11 ha, diện tích đang sản xuất 5.630,83 ha, diện tích cho thu hoạch 3.833,12 ha; trong năm 2022 cung cấp ra thị trường khoảng 51.098,77 tấn sản phẩm. Số nông hộ tăng vượt trội so với cùng kỳ do năm vừa qua, việc thúc đẩy đầu tư liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong sản xuất trồng trọt ngày càng được quan tâm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ: Điển hình công ty TNHH 4K Farm đã liên kết sản xuất theo quy trình sản xuất “4 KHÔNG” kết hợp bao tiêu sản phẩm đầu ra với 216 nhà màng cùng hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm của Israel; Công ty TNHH VinaHarris Việt Nam đã triển khai Dự án liên kết phát triển hồ tiêu bền vững trên địa bàn tỉnh, kết quả đã hướng dẫn và chứng nhận 821 nông hộ tương đương 820 ha, trong đó 673 nông hộ tương đương  738 ha đã đánh giá đạt tiêu chuẩn SAN tại Châu Đức, Xuyên Mộc.

Lĩnh vực khai thác thủy sản:

Chuyển giao, ứng dụng máy điện hàng hải cho nghề lưới vây, lưới rê khai thác hải sản xa bờ như: Radar Furuno, Koden (quét xa 32, 48, 72 hải lý); máy dò ngang (quét 3600); định vị hải đồ màu; máy phân tích môi trường (cho nghề câu cá ngừ đại dương) máy đo dòng chảy, phao vô tuyến, điện thoại vệ tinh... để hỗ trợ việc dò tìm, đánh giá đàn cá và đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khi hoạt động trên biển. Chuyển giao, ứng dụng công nghệ bảo quản sản phẩm bằng vật liệu Inox và Polyurethane; sản xuất đá sệt làm lạnh bằng phân tử nano; thiết bị cấp đông (Hệ thống thiết bị cấp đông -18 đến -70oC được sử dụng phổ biến trên tàu cá công nghiệp vỏ sắt hoặc vỏ vật liệu mới ở các nước có nghề cá phát triển).

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản:

Các cơ sở nuôi trồng thủy sản liên tục cập nhật và ứng dụng các công nghệ nuôi mới, tiên tiến như Quy trình nuôi tôm 3C (3 sạch: tôm giống sạch, nước sạch, đáy ao sạch) và nước tuần hoàn khép kín, sử dụng máy cho ăn tự động, hệ thống sục khí đáy ao; quy trình nuôi tôm theo nhiều giai đoạn  trong nhà màng và trải bạt toàn bộ bờ ao và cả đáy ao. Một số cơ sở nuôi còn ứng dụng hệ thống quan trắc môi trường tự động. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 18 cơ sở nuôi trồng và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao phân theo 02 vùng nuôi cụ thể: Vùng nuôi tôm tập trung thuộc Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Minh Phú – Lộc An với quy mô khoảng 200 ha, vùng nuôi này đang triển khai thực hiện và nguồn vốn đầu tư 100% từ doanh nghiệp; Vùng sản xuất giống thủy sản tập trung tại Thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, quy mô 149,5 ha. Vùng sản xuất này đã giao đất cho 10 dự án, tuy nhiên cho đến nay mới chỉ đạt 4/10 dự án đã và đang được đầu tư xây dựng vào sản xuất.

Thúc đẩy đưa công nghệ IoT vào nuôi trồng thủy sản

IoT là nền tảng của nuôi trồng thủy sản thông minh, trong đó việc thu thập  dữ liệu lớn và nghiên cứu dữ liệu lớn thúc đẩy nghiên cứu công nghệ TTNT sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.Việc ứng dụng này giúp giải quyết các vấn đề như: Hoàn thành được các giai đoạn nhân giống và phát triển của các loài nuôi; xử lý môi trường nước nuôi; cho ăn tự động; ứng dụng quan trắc môi trường tự động và đưa ra cảnh báo cho người dân, giám sát chất lượng nước, hệ thống sục khí đáy ao. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 67 cơ sở nuôi trồng thủy sản đối tượng chủ lực ( tôm sú, tôm thẻ chân trắng). Trong đó có 18 cơ sở ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng IoT vào trong nuôi trồng thủy sản (đạt 26,89%): hệ thống xử lý nước cấp, nước thải hiện tại được xử lý và tái sử dụng tuần hoàn khép kín không xả thải ra môi trường; quy trình nuôi tôm 3C sử dụng máy cho ăn tự động, hệ thống sục khí đáy ao; ứng dụng hệ thống trắc quan môi trường tự động. Về nuôi trồng thủy sản lồng bè, hiện có 03/307 cơ sở ứng dụng IoT vào nuôi trồng thủy sản. Hàng tháng, thực hiện công tác quan trắc  môi trường, cảnh báo môi trường đến các hộ dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh với
tần suất 02 lần/tháng. Tổng số cơ sở nhận tin nhắn 340/374 cơ sở, đạt 90,9%.


Hình ảnh: Mô hình nuôi tôm CNC trong nhà màng và trải bạt tại HTX Quyết Thắng

Đối với lãnh vực Chăn nuôi- Thú y

- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 132 trang trại hoạt động chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 514,8 ha. Các công nghệ sử dụng chủ yếu: Trang trại thiết kế hệ thống chuồng lạnh, sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, sử dụng giống bố mẹ nhập ngoại. Tỷ lệ sản phẩm ứng dụng công nghệ cao ước đạt 2.445 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 35,39%. Một số doanh nghiệp chăn nuôi điển hình có thể kể đến như: Trang trại chăn nuôi gia cầm đẻ trứng của ông Trần Văn Nam, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức; Trang trại chăn nuôi heo Trang Linh, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc; Trang trại chăn nuôi heo Vĩnh Tân 2, xã Sông Xoài, thị xã Phú Mỹ; Trang trại chăn nuôi gà, heo của hộ ông Nguyễn Anh Đức, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức.

- Ngoài ra, trong lĩnh vực chăn nuôi, đã và đang ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật (sử dụng phần mềm VAHIS), thực hiện cập nhật dữ liệu ngành chăn nuôi trên hệ thống thông tin nông nghiệp, hệ thống kết nối các máy tính trực tuyến, giúp truyền tải thông tin kịp thời giữa các cơ quan chuyên ngành thú y, có thể dễ dàng trích xuất thông tin, dữ liệu dịch bệnh động vật theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền, rút ngắn đáng kể không gian và thời gian.

Lài Nguyễn – CCPTNT