BÀ RỊA – VŨNG TÀU: CÁC GIẢI PHÁT TRIỂN THỦY SẢN SAU ĐẠI DỊCH COVID 19 NĂM 2022

09/12/2021 - 13:45 | Xúc tiến thương mại

Từ cuối tháng 6/2021, dịch bệnh Covid-19 bắt đầu xảy ra và diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, đã ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế - xã hội nói chung và hoạt động sản xuất nông nghiệp, thủy sản nói riêng trong năm 2021, theo đó trong năm năm 2021, tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp (theo giá so sánh) là 19.165 tỷ đồng, chỉ tăng 2,7% so năm 2020 so chỉ tiêu kế hoạch tăng 4,11%, trong đó: giá trị sản xuất ngành khai thác là 9.144 tỷ đồng, giá trị sản xuất ngành nuôi trồng là 1.080 tỷ đồng.

Để khôi phục, phát triển nông lâm ngư nghiệp sau dịch Covid 19, trong năm 2022, ngành nông nghiệp đã xác định mục tiêu: Khôi phục và phát triển các hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm tại chỗ cho người dân trong tỉnh, góp phần ổn định thu nhập và đời sống của bà con nông dân, người dân nông thôn, phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế cao nhất có thể trong tình hình dịch Covid-19 dự báo còn diễn biến phức tạp trong năm 2022;

Với những chỉ tiêu chủ yếu như sau: Tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp tính theo giá so sánh đạt 19.839 tỷ đồng, tăng 3,52% so năm 2021, tăng 0,82% so ước thực hiện năm 2021 là 2,7%. Theo đó giá trị sản xuất ngành ngư nghiệp là 10.556 tỷ đồng, tăng 3,25% so năm trong đó: Ngành khai thác là 9.427 tỷ đồng, tăng 3,1%, tăng 1,45% so ước thực hiện năm 2021 là 1,65%; ngành nuôi trồng là 1.129 tỷ đồng, tăng 4,50%.

Theo đó, ngành nông nghiệp tập trung thực hiện các giải pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” để khôi phục và phát triển như sau: Thứ nhất, ngành nông nghiệp đã chủ động xây dựng Kịch bản cho hoạt động chỉ đạo, điều hành hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp theo các Cấp độ dịch nhằm đảm bảo duy trì ổn định, không bị gián đoạn do ảnh hưởng dịch Covid-19; Thứ hai, ngành nông nghiệp cũng đã xây dựng các giải pháp cụ thể trong từng ngành để tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện trong năm 2022 nhằm khôi phục và phát triển sản xuất ngư nghiệp, cụ thể như sau:

Về khai thác thủy sản, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nghề khai thác thủy sản, giảm dần các nghề khai thác gần bờ, nghề khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản (giảm 171 tàu cá so năm 2021, chủ yếu giảm tàu nghề lưới kéo). Duy trì ổn định số lượng tàu cá tham gia khai thác vùng khơi, khuyến khích nâng cấp máy, ngư lưới cụ, trang bị đầy đủ các trang thiết bị trên tàu, thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Phấn đấu 90% tàu cá khai thác xa bờ hoạt động theo tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển. Khuyến khích đầu tư trang thiết bị hiện đại cho tàu cá, ứng dụng công nghệ bảo quản sản phẩm khai thác, đặc biệt là nâng cấp hầm ; Hỗ trợ ngư dân gặp khó khăn trong thời điểm phòng dịch Covid-19 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ngư dân xuất bến đi biển khai thác vụ cá Nam đầu năm 2022; Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Luật Thủy sản và các nội dung về chống đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh; Khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống giám sát tàu cá để phục vụ cho công tác xử lý hành vi khai thác IUU; Ngăn chặn, xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản; Thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển; Thực hiện đăng ký, đăng kiểm, giải quyết thủ tục hành chính kịp thời, cấp giấy phép khai thác theo hạn ngạch; thường xuyên rà soát danh sách cảng cá đề nghị công bố chỉ định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản;  Hoàn thành Đề án chuyển đổi nghề cho tàu cá hoạt động ven bờ và các nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh; xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ven bờ và các nghề hủy diệt nguồn lợi. Hoàn thành Dự án điều tra, đánh giá trữ lượng nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ và vùng lộng thuộc phạm vi quản lý của tỉnh để làm cơ sở cấp hạn ngạch khai thác thủy sản.

Về nuôi trồng thủy sản, tiếp tục đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi với cơ cấu diện tích và sản lượng phù hợp với lợi thế so sánh của từng vùng, địa phương. Tăng cường khuyến khích các mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên toàn tỉnh, chuyển đổi hình thức nuôi sang thâm canh, siêu thâm canh, thúc đẩy sản lượng tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao trên toàn tỉnh. Đồng thời, có biện pháp quản lý và duy trì hoạt động nuôi trồng các đối tượng nuôi còn lại (tôm sú, cá nước ngọt, cá nước mặn, thủy sản khác,...) đảm bảo phát triển ổn định. Vận động người nuôi hướng đến nuôi bền vững, áp dụng các quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP) và tương đương; Thường xuyên thực hiện công tác quan trắc cảnh báo môi trường nước tại các vùng nuôi thủy sản tập trung; Giám sát tình hình nuôi trồng thủy sản tại các vùng nuôi trọng điểm để theo dõi quá trình thả giống, đối tượng thả nuôi và kịp thời khuyến cáo bà con các biện pháp kỹ thuật, nâng cao năng suất nuôi trồng; Thực hiện lắp đặt phao nhận dạng các tiểu khu nuôi trồng thủy sản lồng bè mở rộng trên địa bàn tỉnh để sắp xếp các cơ sở nuôi trồng thủy sản ổn định sản xuất; Tiếp tục thực hiện cấp tạm giấy xác nhận nuôi trồng thủy sản lồng bè cho các cơ sở trong vùng quy hoạch; Nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển nuôi biển khu vực Côn Đảo và khu vực ven biển, vịnh, cửa sông theo hướng công nghệ cao.

Nguyễn Bình