Mời tham gia Chương trình bình ổn thị trường thành phố Hà Nội năm 2020.

26/08/2020 - 08:05

Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản xin trân trọng thông báo đến các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm sản và thủy sản trên địa bàn tỉnh biết nội dung, thời gian, địa điểm … để có nhu cầu đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường thành phố Hà Nội năm 2020, như sau:

1. Mục đích, yêu cầu.

- Góp phần đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội trong mùa mưa bão, những ngày lễ, tháng cuối năm 2020, Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 và các thời điểm dịch bệnh bất thường xảy ra; đáp ứng nhu cầu của nhân dân Thủ đô về các mặt hàng thiết yếu.

- Đẩy mạnh đầu tư, phát triển, đa dạng hóa mạng lưới phân phối nhằm đảm bảo hàng hóa trong Chương trình đến tay người tiêu dùng một cách thuận lợi, nhanh chóng, trực tiếp; đặc biệt là tại các quận, huyện vùng ven, khu vực ngoại thành, khu công nghiệp (KCN), các chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố.

- Tạo điều kiện cho các cơ sở/ đơn vị sản xuất, kinh doanh (sau đây gọi chung là cơ sở) tham gia Chương trình tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng. Mở rộng thêm các nhóm hàng bình ổn thị trường gắn với thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; từ đó góp phần hạn chế tốc độ tăng giá, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

- Tăng cường mối liên kết giữa các cơ sở sản xuất và giữa sản xuất với phân phối, giúp cơ sở sản xuất chủ động được đầu ra và nguồn hàng, mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất - chăn nuôi - trồng trọt nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thành phố.

- Tăng cường hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong các hoạt động đầu tư, kết nối giao thương, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường.

2. Các nhóm hàng hóa trong Chương trình bình ổn năm 2020.

- Các nhóm hàng thiết yếu: lương thực (gạo, mỳ, phở khô…); thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả tươi, đường, dầu ăn, gia vị (nước mắm, nước chấm, muối, mỳ chính...), sữa (sữa nước, sữa bột...).

- Các nhóm hàng có nhu cầu cao trong thời điểm mùa vụ như trong dịp Tết Nguyên đán: Mứt Tết, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát…

3. Lượng hàng lĩnh vực nông nghiệp (tính cho khoảng 10,5 triệu dân).

- Dầu ăn: Nhu cầu tiêu dùng khoảng 6,3 triệu lít/tháng, tương đương 75,6 triệu lít/năm. Mặt hàng dầu ăn hầu hết được cung cấp từ các tỉnh, thành phố khác và nhập khẩu từ Nga, NewZealand, ...

- Rau, củ: Nhu cầu tiêu dùng rau, củ các loại khoảng 105.000 tấn/tháng, tương đương 1.260.000 tấn/năm. Năm 2019, sản lượng rau, củ Thành phố sản xuất đạt 67.299 tấn/tháng, tương đương 807.588 tấn/năm, đáp ứng được khoảng 64% nhu cầu, còn lại được cung ứng từ các tỉnh phía Bắc như Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc và một số tỉnh phía Nam (Lâm Đồng...)...

- Trứng gia cầm: Nhu cầu tiêu dùng khoảng 126 triệu quả/tháng, tương đương với 1.512 triệu quả/năm. Năm 2019, sản lượng sản xuất của Hà Nội là 116,7 triệu quả/tháng, tương đương với 1.400 triệu quả/năm, đáp ứng được khoảng 93% nhu cầu, còn lại được cung ứng từ các tỉnh.

- Gia vị (mắm, nước chấm, muối ăn, mỳ chính..): Nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn Thành phố là 1.575 tấn/tháng tương đương với 18.900 tấn/năm, chủ yếu được sản xuất và cung cấp từ các tỉnh.

4. Chất lượng hàng hóa.

Hàng hóa tham gia Chương trình phải đảm bảo về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ (có đầy đủ hồ sơ chứng minh nguồn gốc, bao gói, nhãn mác và các thông tin liên quan theo đúng quy định), bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng trong điều kiện bình thường cũng như khi có biến động giá.

5. Đối tượng tham gia.

- Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế, được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật trên toàn lãnh thổ Việt Nam đáp ứng đầy đủ điều kiện đăng ký tham gia, chấp hành các quy định của Chương trình và các quy định pháp luật khác có liên quan.

- Tổ chức tín dụng hoạt động theo Luật Tổ chức tín dụng, đáp ứng đầy đủ điều kiện đăng ký tham gia và chấp hành các quy định của Chương trình và các quy định pháp luật khác có liên quan.

6. Điều kiện tham gia.

- Cơ sở đăng ký tham gia phải có ngành nghề sản xuất - kinh doanh phù hợp với các nhóm hàng trong Chương trình; có thương hiệu, uy tín, năng lực sản xuất, kinh nghiệm kinh doanh các mặt hàng trong Chương trình; có nguồn hàng cung ứng cho thị trường với số lượng ổn định và xuyên suốt thời gian thực hiện Chương trình.

- Có trụ sở chính, văn phòng, chi nhánh đang sản xuất, kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam; có hệ thống nhà xưởng, kho bãi, trang thiết bị phục vụ sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng; có phương tiện vận chuyển phục vụ việc phân phối hàng hóa và bán hàng lưu động theo yêu cầu của Chương trình.

- Tuân thủ các quy định về yêu cầu đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, thông tin nhãn mác theo quy định của pháp luật.

- Cam kết sản xuất, cung ứng hàng hóa tham gia Chương trình đúng chủng loại, đủ số lượng; thực hiện việc niêm yết giá theo quy định, bán đúng theo giá thông báo của doanh nghiệp.

- Các cơ sở phân phối phải có điểm bán cố định, các cơ sở sản xuất phải đưa hàng vào ít nhất 3 điểm bán lẻ hoạt động ổn định trên địa bàn.

7. Địa chỉ liên hệ:

Mọi thông tin các cơ sở xin vui lòng liên hệ Bộ phận Thường trực của Chương trình: Sở Công Thương Hà Nội; Điện thoại: 02422155572; Fax: 0243.62691288; người liên hệ: Anh Ngọc – điện thoại: 0384.545.965; email: cungcau.hanoi@gmail.com

Ngọc Hiền